Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Dự án không phép Panorama Mã Pì Lèng ngang nhiên hoạt động trở lại

Mai Hương(T/H) 11:22 29/02/2020

Tổ hợp Panorama Mã Pì Lèng chính là công trình không phép mọc ngay điểm ngắm vực Tu Sản - vực nước sâu kỳ vĩ nhất Đông Nam Á, đến nay, dự án ngang nhiên hoạt động trở lại.

Hoạt động trở lại như chưa có chuyện gì xảy ra

Tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng (tỉnh Hà Giang) đã hoạt động trở lại sau nhiều tháng được lôi ra mổ xẻ các sai phạm xây dựng. Tổ hợp Panorama Mã Pì Lèng chính là công trình không phép mọc ngay điểm ngắm vực Tu Sản-vực nước sâu kỳ vĩ nhất Đông Nam Á. Nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng gồm bảy tầng, có sàn ngắm cảnh bằng khung thép vươn ra phía sông Nho Quế.

Gần nửa năm nay, sau nhiều công văn qua lại và nhiều cuộc họp bàn xử lý nhưng kết quả thu lại gần như bằng không. Hồi tháng 10/2019, các sở, ngành của tỉnh Hà Giang đã đề xuất UBND tỉnh tháo dỡ một phần tòa nhà trước ngày 15/11. UBND huyện Mèo Vạc cũng yêu cầu công trình tạm dừng hoạt động.

Tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng (tỉnh Hà Giang) đã hoạt động trở lại sau nhiều tháng được lôi ra mổ xẻ các sai phạm xây dựng.

Cuối tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu xử lý hàng loạt công trình xây sai phép, xâm phạm các di sản miền núi, trong đó có nhà nghỉ Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng.

Tuy nhiên, tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng sau nhiều tháng được lôi ra mổ xẻ các sai phạm xây dựng, nay vẫn hoạt động như chưa có chuyện xảy ra.

Chủ nhà hàng này vẫn phục vụ khách tấp nập.

Được biết, nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (tỉnh Hà Giang) đã hoạt động trở lại chỉ sau hơn 2 tháng đóng cửa. Cho đến nay, công trình từng bị nhiều người phê phán như cái “gai xấu xí” không hề bị dừng hoạt động. Được biết chủ nhà hàng này vẫn phục vụ khách tấp nập.

Lý tưởng nhất vẫn là trả thiên nhiên về nguyên trạng

Được biết, sau khi họp bàn, các sở ngành của tỉnh Hà Giang đề xuất giữ lại, cải tạo phần công trình nằm sát đường quốc lộ để đảm bảo thân thiện với môi trường, còn toàn bộ phần công trình phía sau sẽ đập bỏ hết.

Gần đây, bà Vũ Ngọc Ánh (chủ đầu tư công trình) đã chủ động thuê tư vấn biên soạn hồ sơ cải tạo công trình để trình lên Sở Xây dựng, trong đó đưa một số phương án tháo dỡ. Bà thừa nhận công trình thiếu giấy phép xây dựng. Tuy nhiên bà Ánh khẳng định việc xây dựng có sự ủng hộ, hậu thuẫn của chính quyền huyện Mèo Vạc.

Bà Vũ Ngọc Ánh - Chủ đầu tư công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (tỉnh Hà Giang).

Nói về Tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng, KTS Nguyễn Việt Huy, tiến sĩ quy hoạch đô thị Đại học Paris Pantheon cho hay: "Công trình vi phạm phải phá bỏ hết, còn nếu biến nó thành điểm dừng chân cũng chưa có báo cáo đánh giá nhu cầu, tác động nào thuyết phục.

Lý tưởng nhất vẫn là trả thiên nhiên về nguyên trạng. Chữa bệnh từ ngọn, phải đi từ gốc rễ xây dựng quy hoạch, quy chế quản lý, ngân sách đầu tư cho bảo tồn các không gian thiên nhiên. Panorama Mã Pì Lèng chính là lời cảnh tỉnh".

Tôi thấy rất buồn, thậm chí chán lắm rồi khi phải chứng kiến những công trình sai phạm mọc lên nhan nhản ở các khu di sản. Không riêng Mã Pì Lèng, vi phạm xây dựng ở Tràng An cũng rất nghiêm trọng. Những người làm di sản văn hóa cứ phải chứng kiến những việc như trò đùa, cả hệ thống pháp luật của chúng ta không được tôn trọng”, GS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia nói.

Ông là người nhiều lần bức xúc vì những người vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực di sản văn hóa cứ “nhơn nhơn”, không bị xử lý ở mức cao nhất- khởi tố bị can. Luật quy định rõ vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực văn hóa có thể bị tù giam giữ tới 20 năm. “Chúng ta chỉ nói về những vấn đề kinh tế, tham nhũng nhưng những điển hình vi phạm Luật Di sản Văn hóa cũng là vi phạm pháp luật lại bị coi thường”, GS. Trương Quốc Bình nói.

Đồng quan điểm với GS. Trương Quốc Bình, GS. Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh-Địa tầng Việt Nam cho hay Panorama dù không nằm trong vùng lõi di sản, nhưng lại ảnh hưởng cảnh quan thiên nhiên. Ông nói: “Tôi không ủng hộ những công trình làm xấu mỹ quan như thế”.

Ông cho rằng công trình sai phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về xây dựng và di sản văn hóa, nhằm bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu gồm cả địa bàn hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.

Ông Giàng A Chinh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang, khẳng định công trình Tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng (tỉnh Hà Giang) chưa có đủ thủ tục pháp lý, không thân thiện với môi trường và phá vỡ cảnh quan của điểm dừng chân Mã Pì Lèng.

Trong công văn do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký ngày 14/10/2019, Bộ VHTTDL nhận định mặc dù công trình Panorama được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng nhưng lại nằm trong công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO ghi danh, thuộc vùng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá quy định “hạn chế xây dựng mới, chỉ xây dựng các công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, công trình thiết yếu. Độ cao của công trình khống chế từ 1-3 tầng”.

Công trình này cũng vi phạm Điều 36 Luật Di sản Văn hóa, theo đó công trình nằm ngoài phạm quy quy định tại điều 32, nhưng có khả năng ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích cần phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, cụ thể ở đây là Bộ VHTTDL.

Thực tế địa phương không xin ý kiến thẩm định của Bộ. Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định công trình này “không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh công viên cao nguyên đá Đồng Văn”.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/du-an-khong-phep-panorama-ma-pi-leng-ngang-nhien-hoat-dong-tro-lai-d71016.html

Bạn đang đọc bài viết Dự án không phép Panorama Mã Pì Lèng ngang nhiên hoạt động trở lại tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản