Bà Vũ Thị Ái: sai phạm vì 'chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật'
Trong ngày 6/5, UBND P.10 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại KDL canh nông Vườn thượng uyển bay “mọc chui” ở đèo Mimosa (P.10, TP.Đà Lạt).
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 4/2019, sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 1,7 ha đất nông nghiệp (thuộc các thửa 43, 44, 45), bà Vũ Thị Ái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Xuân Ái Hùng đã san ủi trái phép một phần quả đồi để mở rộng mặt bằng cho khu đất rồi xây dựng hàng loạt công trình như kè taluy, hệ thống xử lý, thu gom nước mưa, nước thải; khoan giếng, làm đường nội bộ… và cũng đã được hạ thế điện nhằm phân chia khu đất thành nhiều lô đất nền.
Khi bị UBND Phường 10 ngăn chặn không cho phân lô đất nền, bà Ái chuyển sang lập hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã (HTX) Xuân Ái Hùng và đề xuất thực hiện dự án đầu tư Điểm Du lịch canh nông (DLCN) Vườn Thượng uyển bay.
Một dãy phòng lưu trú trước khi bị tháo dỡ. |
Ngày 2-1-2020, HTX du lịch canh nông tổng hợp Xuân Ái Hùng đã cho xây dựng nhiều tiểu cảnh hoa cùng các công trình bằng sắt thép, nhà ở, cổng bảo vệ, quầy bán vé, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, hồ cảnh quan... trên diện tích hơn 1,7ha tại đường Khe Sanh, phường 10, TP Đà Lạt. Tuy nhiên, toàn bộ công trình trên đều được thực hiện khi chưa có giấy phép xây dựng của cơ quan chức năng.
Các công trình vi phạm gồm hai khối nhà quy mô 28 phòng lưu trú, 2 cổng trời, 2 cầu nổi trên vườn hoa, 2 mê cung, nhà quản lý điều hành, quán cà phê giải khát, phòng bán vé, bãi đậu xe, hàng rào, cổng bảo vệ, giếng khoan, hồ cảnh quan...
Ngày 10/12/2019, UBND TP.Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Vũ Thị Ái về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép; buộc tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm nói trên trong vòng 10 ngày.
Bà Vũ Thị Ái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Xuân Ái Hùng cho biết, nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trên là do bà “chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật”. Bà Ái lý giải cứ tưởng sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư, việc triển khai xây dựng các công trình trong điểm du lịch canh nông không cần phải tiếp tục xin giấy phép xây dựng.
Riêng sai phạm ở hai dãy nhà tại điểm du lịch này, bà Ái cho biết, trước khi chuyển nhượng lại khu đất trên đã có hai khối nhà lồng sản xuất nông nghiệp với diện tích khoảng 3.000m2.
Đại diện HTX Xuân Ái Hùng thừa nhận việc cải tạo khu nhà lồng làm phòng nghỉ du lịch là trái với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Lâm Đồng nên sẽ tự nguyện tháo dỡ theo quyết định của cơ quan chức năng.
Ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, sau khi báo cáo và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND TP Đà Lạt sẽ có biện pháp xử lý dứt điểm trường hợp này. “Quan điểm của các cấp lãnh đạo là xử lý nghiêm, không để tồn tại hành vi xây dựng công trình khi chưa được cấp phép...”, ông Trình nói.
Động thái khó hiểu của cơ quan chức năng
Sau khi xây “chui” 28 phòng lưu trú, bà Ái được Phòng Tài chính &Kế hoạch (UBND TP.Đà Lạt) cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký HTX lần 2, trong đó bổ sung ngành nghề cơ sở lưu trú.
Càng khó hiểu hơn khi Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh Lâm Đồng) kết luận 28 phòng lưu trú này đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy để hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật. Còn Công an TP.Đà Lạt cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự để làm ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú cho HTX Xuân Ái Hùng.
Chưa hết, một mặt UBND TP.Đà Lạt ra quyết định xử phạt, buộc tháo dỡ các công trình xây dựng không phép nhưng mặt khác, vào ngày 6/2/2020 lại có văn bản gửi Sở KH & ĐT Lâm Đồng với nội dung thống nhất cho tồn tại nhà kính hiện hữu với diện tích khoảng 3.000m2. Trong khi thực tế nhà kính này đã được thay “áo” thành các công trình xây dựng bê tông, cốt thép, gạch, tấm vật liệu… từ bao giờ.
Được biết, ngày 16/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu Lâm Đồng kiểm tra làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật những vấn đề mà Tiền Phong và một số cơ quan báo chí phản ánh.
Ngày 19/3, UNND tỉnh có văn bản giao cho UBND TP. Đà Lạt chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm tại dự án và báo cáo tỉnh trước ngày 10/4. Thế nhưng đợi mãi không thấy phản hồi, ngày 20/4, UBND tỉnh có văn bản hỏa tốc đôn đốc thành phố báo cáo kết quả xử lý sai phạm.