Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bức tranh trái chiều trên thị trường bất động sản bán lẻ

người đưa tin 09:50 19/01/2022

Trong năm 2021, các thương hiệu bán lẻ nhỏ chấp nhận thuê các cửa hàng có diện tích nhỏ hơn hoặc chuyển qua mô hình kiosk còn thương hiệu lớn vẫn liên tục mở rộng.

Trong năm 2021, các thương hiệu bán lẻ nhỏ chấp nhận thuê các cửa hàng có diện tích nhỏ hơn hoặc chuyển qua mô hình kiosk còn thương hiệu lớn vẫn liên tục mở rộng.

Báo cáo tổng kết thị trường bán lẻ năm 2021 tại Hà Nội của Savills Việt Nam cho biết, năm vừa qua đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp tổng nguồn cung chứng kiến mức tăng trưởng chậm do chỉ 4/10 dự án gia nhập thị trường vào cuối năm theo kế hoạch. Cụ thể, tổng nguồn cung đạt hơn 1,6 triệu m2, tăng 2% theo quý và 3% theo năm.

Tương tự, giá thuê tăng nhẹ 1% theo quý nhưng không đổi theo năm, đạt 927.000 đồng/m2/tháng. Xét về giá thuê theo khu vực, phía Đông Hà Nội đang dẫn đầu với mức tăng trung bình từ năm 2017 đạt 7%/năm, theo sau là khu vực phía Tây và khu vực trung tâm với 4%. Công suất thuê giảm 2 điểm % theo quý và theo năm. Hạng mục khối để bán lẻ có mức giảm cao nhất do tỉ lệ trống cao từ các dự án mới.

Sau sự lao dốc lịch sử do đại dịch vào quý III-IV/2021, thị trường cho thấy triển vọng phục hồi và đà đi lên khi chỉ số GRDP và doanh thu bán lẻ tăng lần lượt 6,7% và 8,5%.

Bất động sản - Bức tranh trái chiều trên thị trường bất động sản bán lẻ

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội.

Nhận xét về tình hình bất động sản bán lẻ, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội, chia sẻ: “Các thương hiệu bán lẻ vẫn dè dặt trong việc mở rộng do lo sợ khả năng phong tỏa và gián đoạn kinh doanh của các cơ sở hiện tại. Tuy nhiên, nhu cầu mở thêm cửa hàng flagship ngày càng tăng trong các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm và ẩm thực.”

Tương tự, CBRE cũng có báo cáo về thị trường bán lẻ tại Tp.HCM, trong những tháng cuối năm 2021 không được khởi sắc như kỳ vọng, mặc dù lệnh giãn cách đã được tháo dỡ, vì tâm lý ngại đám đông và các ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế và thu nhập của người dân.

Theo Cục Thống kê, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ Tp.HCM giảm 21,9% trong năm 2021, mức giảm sâu hơn của toàn Việt Nam (6,2%). Chỉ số niềm tin người tiêu dùng, theo Nielsen vẫn chưa hồi phục như mức trước dịch Covid-19 và tâm lý này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lượng mua sắm của người dân trong dịp Tết Âm lịch sắp đến.

Nguồn cung bán lẻ gần như không thay đổi nhiều trong 2020-2021 ngoại trừ trong năm 2021, thị trường đón nhận thêm một dự án là Co.opmart Trường Chinh, giúp nguồn cung toàn thị trường tăng thêm 16.000m2 và đạt mức 1.068.128m2 vào thời điểm cuối năm 2021.

Hoạt động thị trường có mức độ phục hồi không cân bằng: Trong khi mặt bằng thuê tại khu Trung tâm ghi nhận giá thuê tăng trưởng 5,5% theo quý và 6,8% theo năm và đạt mức 144 USD/m2/tháng tính đến quý IV/2021, giá thuê tại khu vực ngoài trung tâm tiếp tục giảm 2,4% theo quý và 4,0% theo năm, xuống còn 33 USD/m2/tháng.

Tỉ lệ trống trong quý tăng ở cả hai khu vực lần lượt là 2,1 điểm % theo quý cho khu vực Trung tâm và 0,3 điểm % theo quý cho khu vực ngoài Trung tâm. So sánh với năm 2020, tỉ lệ trống lần lượt là 1,9% cho khu Trung tâm, tăng 2,8 điểm % so với năm ngoái, và 11,4% cho khu ngoài Trung tâm, giảm 1,5 điểm %.

Bất động sản - Bức tranh trái chiều trên thị trường bất động sản bán lẻ (Hình 2).

Trong ngành bán lẻ, thương hiệu nhỏ chấp nhận thuê các cửa hàng có diện tích nhỏ hơn hoặc chuyển qua mô hình kiosk còn tập đoàn lớn vẫn tiếp tục mở rộng.

Trong năm 2021, bên cạnh việc một số ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề (giải trí, ăn uống, rạp chiếu phim… ), các tập đoàn lớn trong và ngoài nước vẫn liên tục mở rộng trong ngành bán lẻ.

Sự mở rộng ghi nhận từ cả các thương hiệu và công ty phát triển bán lẻ trong và ngoài nước, như MUJI, Decathlon, Central Group, Aeon Group và Con Cưng, Thế Giới Di Động, Masan Group, Nova Group.

Trong khi đó, các thương hiệu bán lẻ nhỏ hơn buộc phải thay đổi để thích nghi với “bình thường mới” như ngành ăn uống, cà phê chấp nhận thuê các cửa hàng có diện tích nhỏ hơn hoặc chuyển qua mô hình kiosk để phục vụ mang đi khi không được ăn uống tại chỗ.

Theo nhận định của CBRE Việt Nam, thị trường bán lẻ TP.HCM sẽ khởi sắc với giá thuê phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Dự đoán cho năm 2022, thị trường dự tính có thêm bốn dự án mới khai trương, đóng góp thêm 137.000 m2 diện tích thực thuê cho thị trường. Đây hầu hết là những dự án có kế hoạch khai trương trong năm 2021 nhưng bị trì hoãn do dịch bệnh. Giá thuê dự tính hồi phục 1,5% - 3,5% trong năm tới trong khi tỉ lệ trống tại khu Ngoài Trung tâm tăng nhẹ 2-3 điểm % do có nguồn cung mới và tỉ lệ trống tại khu Trung tâm đi ngang. Sang năm 2023, giá thuê dự tính sẽ tăng cao hơn cùng với các nguồn cung mới tại khu Trung tâm.

Nhận xét về triển vọng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc, bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam cho rằng: “Nền kinh tế Việt Nam dự đoán sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 và ngành bán lẻ, nhất là bán lẻ trực tuyến, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, thị trường bán lẻ vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ đến từ các chủ đầu tư cũng như kế hoạch tiêm liều bổ sung để sớm thích nghi với bình thường mới”.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/buc-tranh-trai-chieu-tren-thi-truong-bat-dong-san-ban-le-a540405.html

Bạn đang đọc bài viết Bức tranh trái chiều trên thị trường bất động sản bán lẻ tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị