Cụ thể, với Nhật Bản, Cục Hàng không đề xuất nối lại đường bay Hà Nội-Tokyo với với tần suất một chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên và Thành phố Hồ Chí Minh-Tokyo với tần suất một chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.
Phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines phối hợp khai thác linh hoạt đường bay Hà Nội-Tokyo bằng tàu bay Boeing B787 (343 ghế) vào ngày thứ Ba hàng tuần. Vietjet Air khai thác đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Tokyo bằng tàu bay Airbus A321 (240 ghế) vào ngày thứ Ba hàng tuần.
Cục Hàng không cũng đưa ra số lượng hành khách khi đặt chân tới Việt Nam sẽ cách ly tối đa tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 560 khách/tuần.
Với Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại đường bay Thành phố Hồ Chí Minh - Quảng Châu tần suất một chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên, trong đó, phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác linh hoạt bằng tàu Boeing B787 (343 ghế). Phía Trung Quốc chỉ định một hãng hàng không khai thác bằng tàu Airbus A320 tối đa 200 ghế. Số lượng hành khách cách ly tại Thành phố Hồ Chí Minh tối đa 540 khách/tuần.
Đường bay đến Hàn Quốc, Cục Hàng không đề xuất Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác đường bay Hà Nội-Seoul với với tần suất một chuyến/tuần bằng tàu bay Boeing B787. Vietjet khai thác đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Seoul bằng tàu bay Airbus A321. Số lượng cách ly tối đa tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 650 khách/tuần.
Đường bay đến Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) cũng sẽ do Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác tại đầu thành phố Hồ Chí Minh bằng máy bay Boeing B787 và Vietjet khai thác tại đầu Hà Nội bằng máy bay Airbus A320. Dự kiến, số lượng khách cách ly tại Hà Nội tối đa 620 khách/tuần, tại thành phố Hồ Chí Minh tối đa 700 khách/tuần.
Đường bay đến Lào và Campuchia cũng được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nối lại với tần suất một tuần/chuyến, do Vietnam Airlines khai thác.
Với kế hoạch khai thác này, dự kiến số lượng hành khách nhập cảnh hàng tuần vào khoảng gần 5.000 khách, tại cả Hà Nội và TP.HCM. Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách.
Mới đây, trao đổi với báo Người lao động, TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại đường bay với những nước đã kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình bảo đảm phòng ngừa dịch bệnh và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không, qua đó cho phép khách du lịch nhập cảnh.
"Từng bước mở cửa hàng không sẽ giúp các hãng duy trì hoạt động, giảm bớt căng thẳng về dòng tiền đang khan hiếm trầm trọng, bảo đảm thu nhập, việc làm cho người lao động, từ đó có cơ hội phục hồi, đóng góp vào ngân sách và nền kinh tế nhiều hơn. Việc từng bước mở cửa hàng không quốc tế phải bảo đảm nguyên tắc phòng chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội; an toàn của hành khách và phi hành đoàn cần được ưu tiên hàng đầu" - TS Bùi Doãn Nề phân tích.
Để làm được việc này, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT ban hành quy định về quy trình phòng chống dịch trong ngành hàng không, phối hợp với các quốc gia thống nhất quy định, quy trình.
Hà Linh (T/H)/SHTT