Theo phản ánh của người dân hai xã Phú An và An Tây thuộc địa bàn TX Bến Cát (Bình Dương), dọc bờ sông Thị Tính, sông Sài Gòn xuất hiện nhiều công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ đường sông, đê bao. Những công trình này có hạng mục được xây dựng kiên cố, bề thế dường như đang bức tử dòng sông.
Công trình vi phạm của...người nhà cán bộ tỉnh?
Ghi nhận dọc hai con sông Thị Tính và sông Sài Gòn, trong số nhiều công trình xây dựng lấn sông, có xuất hiện tổ hợp công trình trên diện tích đất rộng khoảng 9.000m2. Trong đó có khoảng 2.250m2 đất thuộc hành lang bảo vệ sông và 441m2 đất đê bao. Theo quy hoạch thì đây lại là đất trồng cây lâu năm, không được phép xây dựng.
Người được cho là chủ sở hữu khu đất này là bà Phạm Mai Hoa (sinh năm 1966, hộ khẩu thường trú tại 134/4 đường 30/4, khu 2, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một).
Theo đơn thư phán ánh đến báo chí của người dân, từ 8/2016 đến nay, sau khi mua khu đất nông nghiệp trồng cây lâu năm ven sông Sài Gòn (thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú An, Thị Xã Bến Cát), bà Phạm Mai Hoa đã tự ý cho đổ đất đá san lấp, lấn ra tận mép bờ sông Sài Gòn với diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông.
Hệ thống tường rào xây dựng ra tận mép sông Sài Gòn. |
Được biết, khu đất 9.000m2 tại xã Phú An được gia đình bà Phạm Mai Hoa mua lại từ một người dân sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, với giá 100.000.000 (Một trăm triệu đồng), thuộc bản đồ địa chính số 29, thửa đất số 638.
Tiếp đến, tại vị trí phim trường Limli tọa lạc, đây là một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông được chủ đầu tư xây dựng nhiều hạng mục. Đặc biệt, có những công trình lấn ra sông để làm cảnh cho khách đến chụp ảnh. Nhiều người cho biết, địa điểm kinh doanh này hoạt động từ cuối năm 2018 cho đến nay. Được biết, khu đất tại phim trường Limli chỉ có 300m2 là có thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp.
Phim trường Limli. |
Theo ghi nhận, tiến độ tháo dỡ các công trình vi phạm còn chậm. Nhiều hạng mục của Phim trường Limli vẫn nguyên trạng. Nhà hàng Rạch Mít đã được tháo dỡ phần công trình xây dựng, nhưng chưa khắc phục triệt để trả nguyên trạng. Một số công trình có dấu hiệu vi phạm khác tại ấp Phú Thứ, xã Phú An vẫn tồn tại.
Vì đâu mà công tác kiểm tra, giám sát trở nên 'khó khăn'?
Bà Hà cho rằng công tác xử lý các công trình vi phạm gặp khó khăn là do có công trình kiên cố lớn, đã tồn tại rồi thì “khó xử lý”. “Thị xã cũng chỉ đạo và sắp tới Phòng Quản lý đô thị cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp làm việc với địa phương, trực tiếp xuống vị trí vi phạm kiểm tra. Trước mắt là lập biên bản đề nghị tháo dỡ, sẽ cho thời hạn xử lý hành chính và bắt buộc tháo dỡ”, bà Hà thông tin.
Quá trình trao đổi, bà Hà cũng bật mí có một số trường hợp công trình vi phạm của “mấy anh công tác dưới tỉnh”, nên cán bộ chuyên môn cũng gặp “khó khăn” trong công tác kiểm tra, giám sát.
Cung cấp thông tin cho PV về việc hàng loạt công trình xây dựng trái phép, không phép dọc các tuyến sông, ông Nguyễn Trọng Ân – Chủ tịch UBND TX Bến Cát cho biết: “Thị xã đã có cả một Chỉ thị, Nghị quyết của Ban thường vụ lãnh đạo công tác trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Đảng ủy các xã, phường cũng như đội trật tự Thị xã phải tập trung xử lý dứt khoát đối với trường hợp vi phạm, đồng thời tuyên truyền cho người dân”.
Vị lãnh đạo Thị xã cũng cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng xây dựng không phép, trái phép nêu trên, đơn vị này sẽ cho kiểm tra, xử lý. “Nếu có tình trạng như vậy, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề chứ không để tồn tại việc xây dựng không phép, trái phép”, vị lãnh đạo TX Bến Cát khẳng định.
Tuy nhiên, công trình vi phạm đã xảy ra suốt nhiều năm trời, đó là những công trình bề thế và kiên cố chứ không phải mới xuất hiện hay xây dựng vụng trộm. Chính điều đó khiến cho dư luận cảm thấy khó hiểu vì đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại như chưa có chuyện gì xảy ra.
Câu hỏi đặt ra là có hay không câu chuyện những cá nhân có thể lực "chống lưng" để tồn tại sai phạm trong thời gian dài, gây tiền lệ xấu về trật tự xây dựng, vi phạm hành lang an toàn sông Sài Gòn?
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ