Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Đất bị phân lô, bán nền trái phép ở Bình Dương: Không qua đấu giá, nghi vấn 'sân sau'

DTVN 09:56 18/06/2020

Sai phạm chồng sai phạm khi các dự án này đều bỏ qua khâu đấu giá, làm dấy lên nghi vấn, liệu DN do bà Hường đứng tên có phải là “sân sau” của “ai đó”?

Sau khi vụ tách thửa trái phép 1059 lô đất “chìm xuồng”, gây ảnh hưởng cảnh quan môi trường đô thị, thất thoát tài nguyên đất, thiệt hại ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp (DN) do bà Hường làm chủ tiếp tục được tỉnh Bình Dương giao khoảng nửa triệu m2 đất phân lô bán nền. Sai phạm chồng sai phạm khi các dự án này đều bỏ qua khâu đấu giá, làm dấy lên nghi vấn, liệu DN do bà Hường đứng tên có phải là “sân sau” của “ai đó”?

Chuyên “thôn tính” đất nhà máy, xí nghiệp

Hiện nay, tất cả các dự án của bà Phạm Thị Hường (người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH TMDV BĐS Phú Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam) đều là “Khu nhà ở thương mại” nhưng không qua khâu đấu giá đất. 100% dự án phân lô bán nền này ban đầu đều không có hoặc chỉ có rất ít đất ở hợp pháp (như trong dự án Phú Hồng Khang, bà Hường chỉ có 810m2 đất ở trong 33,6 ngàn m2).

Lợi dụng việc từ trước đến nay, nhiều khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp tại Bình Dương thuê đất Nhà nước, bà Hường đã “bằng cách nào đó” để những DN này chuyển nhượng lại đất sản xuất (hoặc tài sản gắn liền trên đất thuê hàng năm). Sau đó tỉnh Bình Dương lập tức giao đất thuê trên cho bà Hường, đồng thời chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị, cho phân lô bán nền.

Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất dọc các trục đường lớn như ĐT743; ở hai địa phương vừa được nâng cấp từ thị xã lên TP thuộc tỉnh là Thuận An và Dĩ An; đã bị bà Hường phân lô bán nền.

Có thể kể tên một số nhà máy xí nghiệp đã bị bà Hường “thôn tính” như Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Lộc Phát, Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Thương mại Thiên Phát (dự án Phú Hồng Đạt); Công ty TNHH sứ kỹ thuật Minh Long (dự án Phú Hồng Phát); Công ty TNHH Tấn Thành, Công ty TNHH Tấn Tài (dự án Phú Gia Huy); Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Trúc Lâm (dự án Phú Hồng Khang); Công ty CP trang trí nội thất Hiệp Hòa Phát (dự án Phú Hồng Thịnh IX); Công ty CP Cơ khí Xây dựng Công trình 623 (dự án Phú Hồng Thịnh VI); Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Mỹ Ý (dự án Phú Hồng Thịnh VIII); Công ty CP Cơ khí Xây dựng Công trình 624 (dự án Phú Hồng Thịnh X)…

Phú Hồng Thịnh VI là một trong những dự án mà bà Hường “thôn tính”.

Khi đã hết đất nhà máy xí nghiệp, bà Hường được tỉnh Bình Dương giao đất nông nghiệp chuyển thẳng sang đất ở đô thị và phân lô bán nền như dự án Phú Huy.

Để ngăn chặn tình huống DN móc ngoặc với các cá nhân, nhà máy xí nghiệp thâu tóm đất; xây dựng các khu dân cư lộn xộn phá vỡ quy hoạch… luật pháp đã dự liệu và có những quy định rõ ràng.

Điểm a khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013 quy định, với các trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán; muốn Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thì buộc phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Luật Nhà ở 2014 ra đời một năm sau đó cũng kế thừa, phát triển, thống nhất với quy định trên. Để được làm chủ đầu tư một dự án nhà ở thương mại, không chỉ phải tuân thủ Luật Đất đai, mà còn phải tuân thủ Luật Nhà ở. Trước tiên DN phải được chỉ định làm chủ đầu tư dự án theo Điều 22 Luật Nhà ở. Theo đó, DN phải có đất “sạch” thuộc một trong các trường hợp: 1. Hoặc đấu giá quyền sử dụng đất; 2. Hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; 3. Hoặc sử dụng diện tích đất ở (đất thổ cư) thuộc quyền sử dụng hợp pháp để xây dựng; 4. Hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất ở (đất thổ cư) theo quy định Luật Đất đai.

Theo khoản 2 Điều 23 Luật Nhà ở về “hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại”, chỉ sau khi được chấp thuận làm chủ đầu tư nếu đã đáp ứng yêu cầu trên, thì DN mới được Nhà nước giao đất để xây dựng nhà ở thương mại (nói cách khác, khoản 2 Điều 23 Luật Nhà ở quy định việc dù trong trường hợp nào, Nhà nước cũng phải có thủ tục ra quyết định giao đất cho chủ đầu tư).

Thất thoát ngân sách nhà nước

Những dấu hiệu sai phạm tại các dự án của bà Hường đều được thực hiện bằng các chiêu thức tương tự. Ví dụ, tại dự án Phú Hồng Đạt, DN do bà Hường làm chủ không có nổi một m2 đất ở. Dự án được tạo thành từ 4 khu đất thuê của Nhà nước, đất trồng cây lâu năm, đất công... tổng diện tích 29.556,6m2 (sau này trong văn bản gửi cơ quan chức năng, tỉnh Bình Dương lại báo cáo tổng diện tích dự án là 30.400m2; chưa rõ 840m2 “mọc” ra từ đâu).

Để có khu đất này, ngày 30/5/2018, bà Hường nhận chuyển nhượng của Công ty Thiên Phát 7000m2 đất thuê Nhà nước từ năm 2002 (loại đất xây dựng công trình công nghiệp).

Chỉ 1 tuần sau, dù mới có 7000m2 đất thuê, bà Hường đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tại Công văn 2497/UBND-KTN ngày 7/6/2018. Tình tiết này khiến dư luận càng băn khoăn: Có lợi ích nhóm hay không, mà tỉnh Bình Dương lại ra một văn bản chấp thuận chủ đầu tư có nội dung phi lý như vậy?

Ngày 3/7/2018, bà Hường tiếp tục nhận chuyển nhượng của Công ty Lộc Phát mảnh đất bên cạnh 21.000m2 thuê của Nhà nước (trong đó 4.989m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm; 16.811m2 đất xây dựng công trình công nghiệp Nhà nước cho thuê từ 2008).

Như trên đã nói, theo Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014, những diện tích này vì không phải là đất ở (đất thổ cư), muốn làm dự án xây nhà thương mại, phải đấu giá. Thế nhưng 10 ngày sau, ngày 13/7/2018, tỉnh Bình Dương vẫn có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại Công văn 3155/UBND-KTN.

Bỏ qua khâu đấu giá đất, ngày 25/7/2018, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng ký Quyết định 2029/QĐ-UBND, giao đất và cho DN bà Hường chuyển mục đích sử dụng toàn bộ diện tích đất trên.

Diện tích dự án vẫn tiếp tục “phình” lên, khi 3 ngày sau, ngày 16/7/2018, bà Hường nhận chuyển nhượng từ cá nhân bà Hà Thị Hồng 113m2 đất trồng cây lâu năm sáp nhập vào khu đất.

Cùng ngày 16/7/2018, Bình Dương có “văn bản xác nhận” giao 576,1m2 đất công cho DN bà Hường. Theo Luật Đất đai và Luật Quản lý tài sản công, muốn giao đất công cho DN chuyển mục đích, phải đấu giá.

Đến tháng 9/2018, dự án đã được Sở TN&MT cấp “sổ đỏ” cho Phú Hồng Thịnh đứng tên 301 lô đất xây nhà liên kế. Hơn 30 ngàn m2 đất thuê Nhà nước, đất trồng cây, đất công… đã được tỉnh Bình Dương và bà Hường hoàn thành việc hợp thức hóa trái phép sang nhà phân lô bán nền chỉ trong chưa đầy 4 tháng.

Hiện trên các sàn giao dịch, các lô đất này được rao bán giá trung bình 25 triệu/m2. Nếu nhân với con số hơn 19.139,7m2 đất được phép xây dựng nhà ở trong dự án, sẽ ra con số hơn 478 tỷ.

Tất cả các dự án khác của bà Hường đều có dấu hiệu sai phạm tương tự. Vậy Nhà nước đã mất bao nhiêu tiền khi doanh nghiệp của bà Hường trốn đấu giá nửa triệu m2 đất trong gần 20 dự án nhà ở?

Càng nhiều dự án có tên “Phú” mọc lên (là cái tên đặc trưng của các dự án do bà Hường làm chủ), đất đai càng bị thất thoát, bất công giàu nghèo trong xã hội ngày càng bị khoét sâu. Nhiều người lao động tại Bình Dương không đất, không nhà, trong khi biết bao đất đai thuộc sở hữu toàn dân lại được giao sai luật cho một đối tượng để tạo dựng khối tài sản cá nhân khổng lồ bất minh.

Gây ra tình trạng nêu trên, nguyên nhân không chỉ đến từ DN mà còn đến từ những cán bộ vi phạm pháp luật, buông lỏng quản lý, bất chấp mọi quy định để cấp phép sai, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch...

Được chuyển mục đích trái luật 64 ngàn m2 chỉ trong 1 ngày

Dự án Phú Hồng Khang (phường Bình Chuẩn, Thuận An) cũng là một dự án điển hình về sai phạm đất.

Trùng mốc thời gian như ở dự án Phú Hồng Đạt, cùng một ngày 30/5/2018, bà Hường đồng thời nhận chuyển nhượng đất của hai đơn vị: Công ty Thiên Phát hơn 22 ngàn m2 (8166m2 đất xây dựng công trình công nghiệp thuê của Nhà nước; 12.980m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh). Công ty Trúc Lâm (4583m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh).

Ngày 3/7/2018, bà Hường ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 204m2 đất trồng cây của ông Nguyễn Văn Thành.

Ngày 16/7/2018, bà Hường cùng nhận chuyển nhượng của bà Hà Thị Hồng (3900m2 đất trồng cây); ông Nguyễn Văn Mía và bà Nguyễn Thị Sấm (1859m2 đất trồng cây lâu năm; 1000m2 đất trồng cây hàng năm). Đồng thời trong ngày 16/7/2018 này, tỉnh Bình Dương có “văn bản xác nhận” giao 100,8m2 đất công do UBND phường Bình Chuẩn quản lý cho DN bà Hường.

Bà chủ của rất nhiều sổ đỏ, làm dấy lên nghi vấn các dự án này có "sân sau".

Tổng số đất bà Hường nhận thông qua 8 hợp đồng chuyển nhượng và “văn bản giao đất” là 33.604,9m2 (sau này diện tích “nở” ra thành 34.500m2. Chưa rõ gần 900m2 “dôi ra” đến từ đâu?).

Trùng khớp thời gian như tại dự án Phú Hồng Đạt (PHĐ), bà Hường được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại Phú Hồng Khang tại Công văn 2498/UBND-KTN ngày 7/6/2018 (PHĐ là Công văn 2497/UBND-KTN). UBND TP.Thuận An phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 4276/QĐ-UBND ngày 3/7/2018 (PHĐ là Quyết định 4277/QĐ-UBND).UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư tại Công văn 3154/UBND-KTN ngày 13/7/2018 (PHĐ là Công văn 3155/UBND-KTN).

Ngày 25/7/2018, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định 2030/QĐ-UBND giao đất và cho phép bà Hường chuyển mục đích sử dụng đất trên làm dự án (PHĐ là Quyết định 2029/QĐ-UBND).

Sở Xây dựng cấp phép xây dựng cho dự án tại Giấy phép xây dựng 2697/GPXD-SXD ngày 14/8/2018. Cuối cùng, Sở TN&MT cấp 320 sổ đỏ cho Phú Hồng Thịnh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra những quan điểm, bình luận, phân tích về vấn đề này.

Theo Sức Khỏe Môi Trường

Link gốc : https://dautuvietnam.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-doanh-nhan/nu-dai-gia-pham-thi-huong-phien-ban-vu-nhom-o-tinh-binh-duong-a8906.html

Bạn đang đọc bài viết Đất bị phân lô, bán nền trái phép ở Bình Dương: Không qua đấu giá, nghi vấn 'sân sau' tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản