Hà Nội, Thứ Năm Ngày 05/12/2024

Công ty Kim Oanh và Dự án Hòa Lân: Xử lý nghiêm để thu hồi tài sản nhà nước

SỞ HỮU TRÍ TUỆ 21:03 05/07/2021

Cục thuế tỉnh Đồng Nai cho biết, có 112 DN nợ thuế với tổng số nợ 575 tỷ đồng, tiến hành cưỡng chế thuế như phong tỏa tài khoản, ngăn chặn sử dụng hóa đơn...

Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Kim Oanh, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Kim Oanh Đồng Nai. Không chỉ nợ thuế, nhiều năm gần đây, Công ty Kim Oanh liên tục thu hút sự chú ý của dư luận qua nhiều vụ việc: xây dựng không phép, bán bất động sản cho khách hàng khi không có giấy phép, chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý, lấn chiếm đất công,…

Với lý do có nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM (Viện cấp cao 3) đã kháng nghị, đề nghị hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm công nhận việc Công ty Kim Oanh trúng đấu giá đất tại dự án Hòa Lân, Bình Dương. Công ty Kim Oanh cho rằng kháng nghị của Viện cấp cao 3 không có căn cứ vì không có đương sự nào trong vụ án đề nghị xem xét lại các bản án, Công ty Kim Oanh là người trúng đấu giá ngay tình.

Thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước

Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn có nhiều sai phạm nghiêm trọng khi cho Công ty Thiên Phú vay: tình hình tài chính của Công ty Thiên Phú yếu kém, thua lỗ; không có vốn chủ sở hữu; giải ngân khi chưa có quyết định giao đất; nhận thế chấp đất không đủ điều kiện, vi phạm luật đất đai. Thanh tra Chính Phủ xác định việc Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay vốn có “dấu hiệu tội phạm …, cần chuyển cho Cơ quan điều tra xử lý”. Viện cấp cao 3 nhận định “có dấu hiệu thông đồng giữa cán bộ Ngân hàng và Công ty Thiên Phú để rút vốn vay ngân hàng”.

Không chỉ sai phạm khi cho vay, Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn nhận thức được Công ty Thiên Phú mất khả năng thanh toán, dự án Hòa Lân là tài sản cuối cùng được bán để trả nợ. Lẽ ra Ngân hàng phải lo khắc phục hậu quả, tổ chức định giá, đấu giá khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật để thu hồi tối đa nợ gốc, lãi vay. Trái lại, Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn cùng với Công ty đấu giá Nam Sài Gòn (do chính cán bộ của mình quản lý) định giá, bán đấu giá vi phạm quy định pháp luật, không đảm bảo minh bạch, công bằng, khách quan. Thanh tra Bộ Tư Pháp kết luận quá trình bán đấu giá có nhiều sai phạm. Số tiền bán đấu giá chỉ thu về 1.353 tỷ đồng, Ngân hàng tự ý cho Công ty Kim Oanh trả chậm nhiều năm, trái với thông báo và quy chế đấu giá. Ngân hàng nông nghiệp là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, số tiền vay hiện chưa thu được từ Công ty Thiên Phú là hơn 1.200 tỷ đồng. Viện cấp cao 3 xác định “Nhà nước bị thất thoát số tiền đặc biệt lớn này. Đây là những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, cần phải hủy kết quả bán đấu giá, hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản để giải quyết lại”.

Không chỉ thất thoát tiền vay, dù luật cấm, Công ty Thiên Phú vẫn thế chấp toàn bộ khu đất được giao không thu tiền cho Ngân hàng và sau đó Ngân hàng tiếp tục định giá, chuyển nhượng trái pháp luật cho Công ty Kim Oanh qua đấu giá, sai phạm này cũng được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận. Dù ký Hợp đồng nhận chuyển nhượng trái pháp luật, Công ty Kim Oanh một mặt vẫn cho rằng không mua bán đất không thu tiền, nhưng mặt khác lại yêu cầu Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn trừ nhiều tỷ đồng khi thanh toán tiền đấu giá vì diện tích đất không thu tiền bị đo thiếu (?). Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, đất không thu tiền được Nhà nước giao cho Công ty Thiên Phú để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình công cộng. Việc thế chấp và chuyển nhượng đất trái pháp luật cho Công ty Kim Oanh đã xâm hại đến lợi ích công cộng.

Tất cả các công dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước đều có quyền, nghĩa vụ bảo vệ tài sản Nhà nước, lợi ích công cộng. Các cá nhân, doanh nghiệp, các đương sự trong vụ án có thể tự quyết định hoặc thỏa thuận trong giao dịch của mình nhưng không được xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn không thể tùy tiện dùng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng để đem lại lợi ích trái pháp luật cho Công ty Kim Oanh. Bất cứ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nào cũng có quyền đề nghị các cơ quan pháp luật có thẩm quyền bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng.

Điều 326 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm như sau: “ Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, …, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước …”; và “trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần phải có đơn đề nghị” từ các đương sự, người có thẩm quyền vẫn có thể kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, dù không có đơn của đương sự, việc Viện cấp cao 3 kháng nghị giám đốc thẩm nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng là có căn cứ pháp luật. Nhà nước, xã hội có lợi từ quyết định này.

Những hành động “ngay tình” có hệ thống?

Quy định đấu giá yêu cầu người trúng đấu giá phải thanh toán trong vòng 45 ngày, phải xin phép cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi chủ đầu tư trước khi ký Hợp đồng chuyển nhượng. Thực tế, Công ty Kim Oanh không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép làm chủ đầu tư trước khi ký Hợp đồng chuyển nhượng, Công ty Kim Oanh vi phạm các điều kiện thanh toán, chây ỳ, trả chậm đến nhiều năm. Công ty Kim Oanh phải tự nhận thức được việc ký Hợp đồng chuyển nhượng đất giao không thu tiền là trái pháp luật.

Sau khi đấu giá, chính Công ty phát triển nhà Thủ Đức, đơn vị cùng tham gia đấu giá, đã có công văn yêu cầu Ngân hàng trả lời về việc chậm thanh toán tiền của Công ty Kim Oanh. Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn nêu rõ: Công ty Kim Oanh chưa thanh toán 20% tiền trúng đấu giá theo Biên bản đấu giá; nếu quá hạn 45 ngày, Công ty Kim Oanh không thanh toán đúng theo Biên bản đấu giá, ngân hàng sẽ đề nghị Công ty đấu giá Nam Sài Gòn xử lý theo quy định pháp luật.

Hai năm sau, khi dự án Hòa Lân có giá trị gấp nhiều lần, lên hàng ngàn tỷ đồng thì Công ty Kim Oanh cũng chỉ phải trả tổng cộng 1.450 tỷ đồng, hưởng lợi không có căn cứ pháp luật. Dù có thể hủy kết quả đấu giá, tịch thu tiền trả trước để đấu giá lại, nhưng Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn đã tự ý thay đổi các điều kiện đấu giá đã được thông báo trước, tạo điều kiện, “bao che” cho hành vi vi phạm của Công ty Kim Oanh. Hành vi của Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn là trái pháp luật và gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, mang lại lợi ích trái pháp luật cho Công ty Kim Oanh. Viện cấp cao 3 nêu rõ, Công ty Thuận Lợi (có quan hệ với Công ty Kim Oanh) cũng trúng đấu giá ở dự án khác của Công ty Thiên Phú cũng với “kịch bản” tương tự.

Công ty Kim Oanh không thể được coi là “ngay tình” khi vi phạm điều khoản thanh toán, vi phạm quy định pháp luật về đất đai và được Ngân hàng “bao che” trái pháp luật. Công ty Kim Oanh phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Không chỉ “ngay tình” trong vụ án này, có nhiều ý kiến đã từng nêu Công ty Kim Oanh cũng “ngay tình” khi chuyển nhượng bất động sản không đủ giấy tờ, “ngay tình” khi được hưởng 43 ha đất tại Tân Phú với giá bất thường, “ngay tình” khi xây dựng không phép và huy động vốn cho chính dự án Tân Phú này…

Vụ việc Dự án Hòa Lân cần được xử lý tổng thể thông qua vụ án hình sự như vụ việc AVG, Công ty Tân Thuận, số 8-12 Lê Duẩn TPHCM .. để thu hồi tài sản thất thoát. Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai luôn có giá trị đặc biệt lớn, liên quan đến nhiều “mắt xích” đặc biệt, đến “nhóm lợi ích” đặc biệt. Để xử lý tham nhũng này, cần quyết tâm lớn. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao 3 đang thể hiện quyết tâm đó vì lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng.

Một chuyên gia kinh tế bình luận, đấu giá là cuộc chơi công bằng. Các quy định, điều kiện đấu giá phải được công bố công khai, áp dụng cho tất cả mọi người. Quy chế đấu giá quy định thời hạn thanh toán là 45 ngày thì tất cả đều phải áp dụng, nếu kéo dài hơn, như thành 2 năm thì phải đấu giá lại. Giá trị tài sản đấu giá phụ thuộc vào thời hạn thanh toán, thanh toán trong vòng 45 ngày, hay 2 năm, hay 20 năm, thậm chí 50 năm… sẽ ảnh lớn đến giá trúng đấu giá. Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn không có quyền sửa đổi thời hạn thanh toán so với thông báo ban đầu cho đơn vị trúng đấu giá.

Theo Ngày Nay

Bạn đang đọc bài viết Công ty Kim Oanh và Dự án Hòa Lân: Xử lý nghiêm để thu hồi tài sản nhà nước tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản