Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết:'Chắc chắn thị trường bất động sản còn rất nhiều lợi thế'

DTVN 07:20 30/08/2020

"Với mảng bất động sản của FLC, Covid-19 có kéo dài đến sang năm thì chúng tôi cũng không lo ngại, nhưng chúng tôi lo ngại cho các mảng khác như du lịch, hàng không" Ông Quyết cho biết

Covid-19 có kéo dài đến sang năm cũng không lo ngại

Tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020 - 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới” được tổ chức chiều ngày 29/8, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết trong những tháng qua, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ thủ tục pháp lý dường như chưa thực sự ngấm được vào thị trường.

"Mỗi một chính sách, chủ trương, quyết định cần nhiều thời gian. Tại Việt Nam, soạn thảo 1 văn bản thường mất từ 3-5 tháng và có lẽ cần thời gian tương đương nữa để đi vào được cuộc sống", ông Quyết cho biết.

Cũng theo Chủ tịch FLC, doanh nghiệp bất động sản trong một hội thảo gần đây đã đưa ra quan điểm rằng Covid-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực này. "Cho đến nay, chưa mấy doanh nghiệp nào kêu khó trong mảng bất động sản. Cái đáng lo nhất theo tôi lại là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không, đường biển...", ông Quyết nói.

Vị chủ tịch FLC cũng khẳng định nếu đã đầu tư bất động sản bài bản và quy mô thì khủng hoảng 3 tháng hay 1 năm không có gì đáng ngại. Bất động sản càng để lâu càng có hiệu quả. Các công ty môi giới hoặc công ty nhỏ không thể chờ từ 1 đến 2 năm được. Nếu qua 1-2 năm thì sang đến năm thứ 3 có khi giá còn gấp đôi, gấp ba.

"Với mảng bất động sản của FLC, Covid-19 có kéo dài đến sang năm thì chúng tôi cũng không lo ngại, nhưng chúng tôi lo ngại cho các mảng khác như du lịch, hàng không. Covid-19 lần 2 xảy ra, công suất của hệ thống phòng FLC khi đại dịch thứ 2 xảy ra, công suất tụt còn 20-30%. Rất đáng mừng, sau khi kiểm soát được dịch, ngay như ngày hôm nay, công suất phòng đang tăng lên rồi. Dịch được kiểm soát tốt, mọi thứ đang dần dần tốt hơn", ông Quyết cho biết.

"Theo tôi về lâu dài bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn nhất và có khả năng sinh lời cao nhất. Trong thời gian qua, không thấy bất cứ nhà đầu tư nào thua lỗ, nếu thua lỗ chẳng qua là theo phong trào", ông Quyết khẳng định.

Ông Quyết giải thích: "Phong trào ở đây là gì? Nhiều người đầu tư vào rồi muốn rút ra ngay, kiểu như vài tháng rồi rút tiền ra ngay chắc chắn sẽ thua lỗ. Ông Quyết cho rằng nếu rút như vậy 90% là thất bại. Có thể kể đến câu chuyện Vân Đồn, Phú Quốc, Nha Trang… . Thời gian qua, đầu tư ở Hà Nội hay TP.HCM, dù vùng ven đều có hiệu quả. Còn nếu theo phong trào như các vùng đất ở trên thì rút vốn ra còn khó chứ đừng nói đến hiệu quả".

Cơ hội đầu tư bất động sản xuất hiện vào cuối năm

Một số dự báo cho rằng, nhanh nhất thị trường BĐS cũng mất 6 tháng để hồi phục sau dịch, còn có thể phải mất 12-24 tháng để hồi phục hoàn toàn. Như vậy, trong thời điểm này sẽ có những phân khúc trên thị trường bị lung lay do chịu tác động từ dịch bệnh. Trên thị trường thứ cấp, nhiều loại BĐS chẳng hạn BĐS nhà hàng, khách sạn, khu vực du lịch nghỉ dưỡng... có thể sẽ giảm giá vào cuối năm hoặc đầu năm sau. Vì thế, đây được xem là cơ hội cho những NĐT có tài chính để "săn" được BĐS giá rẻ.

Các chuyên gia cũng cho rằng vaccine Covid-19 hiện Nga đang sản xuất và công bố, Mỹ và Trung Quốc thì cuối năm nay, các nước khác giữa năm 2021, chậm thì cuối năm 2021. Như vậy, khi có vaccine thì nền kinh tế sẽ hồi phục, kéo theo sự hồi phục của thị trường BĐS. Việc giảm giá của các phân khúc sẽ khó diễn ra. Theo đó, ngay khi lúc thị trường BĐS đang biến động, khựng lại do ảnh hưởng của dịch sẽ là cơ hội tốt cho những NĐT muốn mua với giá hợp lý, thậm chí săn được BĐS giảm giá, giá rẻ.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam cho hay, ở Việt Nam, dự báo tăng trưởng kinh tế lạc quan nhất sẽ ở mức 2%. Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ rất cao. Cụ thể, bắt đầu từ quý 2-2021, kinh tế sẽ phục hồi với hai điều kiện.

Đầu tiên là kiểm soát được Covid-19 và khả năng vaccine có được ở Việt Nam vào giữa năm 2021. Thứ hai, cho dù tỷ lệ thấy nghiệp và nợ xấu tăng cao, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn có thể đứng vững.

Hiện nay tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực đang giảm. Trong đó, nhà hàng, khách sạn và vận tải là những ngành dịch vụ bị suy giảm mạnh. Riêng lĩnh vực nhà hàng khách sạn giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, ở phía cầu của nền kinh tế trong năm 2020, dù kiểm soát khá tốt Covid-19, các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn nhưng sức mua vẫn yếu.

Trả lời trên báo chí trước đó, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, thị trường tài chính đang đối diện với nhiều biến động trong thời gian qua, một lượng lớn dòng tiền dài hạn vẫn đang dừng lại nghe ngóng, chờ đợi cơ hội. Với tâm lý chung của đa số người Việt, khi thị trường địa ốc giảm tốc, rất nhiều dòng tiền đang chờ giá tốt để mua vào

Dự báo từ cuối năm 2020 đến nửa đầu năm 2021 sẽ là cơ hội đầu tư BĐS giá rẻ hơn so với cuối năm 2019. Hiện nay, các BĐS càng cao cấp càng bị lung lay chuỗi giá trị do tác động của dịch bệnh làm thị trường chuyển hướng sang phòng thủ nhiều hơn.

Theo ông Quang, các loại tài sản giá trị càng lớn ở khu vực trung tâm hoặc kế cận trung tâm càng dễ bị điều chỉnh giá và trở thành tâm điểm thu hút giới đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi. BĐS du lịch nhà hàng, khách sạn, các thủ phủ du lịch, nghỉ dưỡng đang bị ảnh hưởng nặng nhất cũng đang được giới đầu tư canh mua nếu giá rẻ với mặt bằng chung.

Còn theo ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân, hiện nay những NĐT nào mắc cạn trong đợt dịch bệnh vừa qua phải cố gắng gồng gánh trả lãi. Nếu những nhà đầu tư này không trụ lại được, trong 6-12 tháng nữa điểm rơi của đáy thị trường BĐS sẽ xuất hiện. Nguyên nhân là ngân hàng bắt buộc phải thu hồi nợ để kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay có khả năng trở thành nợ xấu.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/chu-tich-flc-trinh-van-quyetchac-chan-thi-truong-bat-dong-san-con-rat-nhieu-loi-the-d81566.html

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết:'Chắc chắn thị trường bất động sản còn rất nhiều lợi thế' tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản