Thanh tra Hà Nội vừa ban hành kết luận thanh tra trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế tại Công viên nước Thanh Hà tại khu đô thị Thanh Hà do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) làm chủ đầu tư.
Công viên nước 200 tỷ: Quá trình từ khi xây dựng đến phá dỡ
Thanh tra TP cho biết, trong quá trình đầu tư xây dựng và xử lý việc đầu tư xây dựng công viên này đã xảy ra nhiều vi phạm, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và cả chính quyền địa phương.
Công viên nước Thanh Hà (quận Hà Đông) nằm trong Khu đô thị Thanh Hà do Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 11/2018 và đến 10/6/2019 hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ngày 6/12/2018, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông (Đội TTXD) phối hợp Phòng quản lý đô thị và UBND phường Phú Lương, quận Hà Đông kiểm tra, phát hiện Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 xây dựng công viên nước tại ô đất A2.2-CCĐT01 không có giấy phép xây dựng.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động thi công vi phạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành và tiếp tục xây dựng công viên nước, rồi đưa vào sử dụng.
|
Công viên nước Thanh Hà vẫn được đưa vào sử dụng khi không có giấy phép xây dựng. |
Ngày 27/11/2019, UBND quận Hà Đông đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp buộc chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm tại ô đất A2.2 - CCĐT01. Nhưng, sau thời hạn 15 ngày, chủ đầu tư công viên nước Thanh Hà chỉ thực hiện tháo dỡ mái che của 4 hạng mục.
Do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà có kết cấu kỹ thuật phức tạp nên chủ đầu tư là Công ty Cienco 5 đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để Công ty xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình.
Không đồng ý với đề xuất của chủ đầu tư, ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông ra Quyết định số 5079/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Đến ngày 30/12/2019, UBND phường Phú Lương có Thông báo số 606/TB-UBND về việc thực hiện quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo theo quyết định 5079/QĐ-CCXP của UBND quận Hà Đông.
Ngày 15 và 16/1/2020, UBND phường Phú Lương đã tổ chức lực lượng cưỡng chế và chỉ sau 2 ngày, công viên nước Thanh Hà trở thành bãi phế liệu.
Sai phạm của chủ đầu tư Cienco 5
Về phía chủ đầu tư, kết quả thanh tra chỉ ra rằng, chủ đầu tư đã vi phạm các quy định về xây dựng, quy hoạch, đất đai và xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, chủ đầu tư đã xây dựng công viên nước không có giấy phép xây dựng (GPXD). Đồng thời xây dựng trên diện tích đất không quy hoạch công viên nước mà theo quy hoạch phê duyệt là đất công cộng thành phố và đất cây xanh thể dục thể thao thành phố, khu ở.
Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 đã xây 19 hạng mục công trình trên diện tích thuộc 3 ô đất đã được quy hoạch là đất công cộng, khu ở; đất cây xanh thể dục thể thao và một phần đường giao thông nội bộ khu đô thị… Theo quy hoạch thì các ô đất nêu trên sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật phải bàn giao cho địa phương quản lý nhưng chủ đầu tư đã “hô biến” thành dự án công viên nước.
“Việc chủ đầu tư xây dựng công viên nước trên các ô đất không quy hoạch công viên nước đã vi phạm Luật Đất đai năm 2013 và Luật Xây dựng năm 2014” - Thanh tra Hà Nội chỉ rõ.
Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 trước đó có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng về việc UBND quận Hà Đông, Hà Nội cưỡng chế công viên nước Thanh Hà không đúng quy định.
Theo đơn kiến nghị của Công ty cổ phần địa ốc Cienco 5, ngày 27/11/2019, UBND quận Hà Đông có quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc công ty phải khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng “tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng”.
Theo quyết định 4725/QĐ-UBND, công ty phải tháo dỡ 14 hạng mục xây dựng của công viên nước Thanh Hà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Chấp hành quyết định trên của UBND quận Hà Đông, công ty đã tháo dỡ toàn bộ các hạng mục được xây dựng và lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà.
Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục có kết cấu kỹ thuật phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ để đảm bảo không hư hỏng, không mất giá trị sử dụng của tài sản công ty đã đầu tư nên Cienco 5 gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn, xem xét tạo điều kiện để công ty xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình.
Tuy nhiên, đến ngày 30/12/2019, UBND phường Phú Lương có Thông báo số 606/TB-UBND về việc thực hiện quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo theo quyết định 5079/QĐ-CCXP của UBND quận Hà Đông.
Trước một ngày tổ chức cưỡng chế (14/1/2020), chủ đầu tư có văn bản gửi UBND quận, UBND phường với nội dung “xin cam kết tháo dỡ và thời gian hoàn thành dự kiến hết quý I/2020” nhưng cơ quan chủ trì cưỡng chế là UBND phường Phú Lương không lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện thi hành án và không báo cáo UBND quận là vi phạm Điều 34, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP.
Ngày 15 và 16/1/2020, UBND phường Phú Lương đã tổ chức lực lượng cưỡng chế và chỉ sau 2 ngày, công viên nước Thanh Hà trở thành bãi phế liệu.
|
Sau 2 ngày cưỡng chế, công viên nước Thanh Hà trở thành bãi phế liệu. |
“Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, UBND quận Hà Đông đã thực hiện đập phá toàn bộ các hạng mục xây dựng trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà. Toàn bộ tài sản mà Công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng đều bị hủy hoại và không còn giá trị sử dụng…”, Cienco 5 cho biết.
Đại diện Cienco 5 kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội buộc các cơ quan chức năng và UBND quận Hà Đông cùng doanh nghiệp xác định thiệt hại vật chất do việc cưỡng chế không đúng quy định của UBND quận Hà Đông gây ra.
Kết luận thanh tra chỉ đích danh 3 lãnh đạo quận sai phạm
Về phía chính quyền, kết luận thanh tra cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền từ UBND phường Phú Lương, UBND quận Hà Đông và Đội TTXD.
Kết quả thanh tra nêu rõ, bên cạnh việc xây dựng không phép, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 đã xây 19 hạng mục công trình trên diện tích hơn 31.000 m2 thuộc 3 ô đất đã được quy hoạch là đất công cộng, khu ở; đất cây xanh thể dục thể thao (A2.2 - CCĐT01; A2.2 - CXĐT01; một phần A2.1 CXĐT01) và một phần đường giao thông nội bộ khu đô thị…
Theo quy hoạch thì các ô đất nêu trên sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật phải bàn giao cho địa phương quản lý song chủ đầu tư đã tự ý chuyển thành dự án công viên nước. “Việc chủ đầu tư xây dựng công viên nước trên các ô đất không quy hoạch công viên nước đã vi phạm Luật Đất đai năm 2013 và Luật Xây dựng năm 2014” – Kết luận có nêu.
Trong kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, để xảy ra tồn tại, sai phạm nêu trên, trách nhiệm cá nhân thuộc về ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông phụ trách đô thị; ông Đào Quang Vinh Hiển - Phó trưởng Phòng quản lý đô thị quận. Chủ tịch UNBD quận Hà Đông cũng có phần trách nhiệm vì chưa xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ có liên quan đến xây dựng trái phép công viên nước…
Qua đó, cơ quan thanh tra kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, sai phạm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và tổ chức cưỡng chế công viên nước Thanh Hà.
|
Lãnh đạo quận Hà Đông lòng vòng giải thích quá trình triển khai, xử lý các hạng mục trong Công viên nước Thanh Hà đảm bảo đúng trình tự quy định pháp luật trong buổi họp báo tại Thành ủy Hà Nội. |
Về phía trách nhiệm của Đội TTXD, Kết luận cũng nêu rõ Đội TTXD đã buông lỏng quản lý, không phát hiện và xử lý vi phạm của chủ đầu tư (xây dựng không có GPXD); không phát hiện công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch, không đúng vị trí; không đề xuất UBND quận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính khắc phục hậu quả…
“Đội TTXD có dấu hiệu làm chiếu lệ, để công trình vi phạm được xây dựng hoàn thành đuwa vào sử dụng, sau này phải cưỡng chế phá dỡ, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước” – Kết luật thanh tra nêu.
Đối với UBND phường Phú Lương đã không chủ động kiểm tra hoạt động xây dựng, không tiến hành đình chỉ xây dựng đối với chủ đầu tư theo chỉ đạo của quận dẫn đến hành vi vi phạm không bị xử lý, không bị năng chặn để công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng…
Bên cạnh đó, UBND quận đã thiếu trách nhiệm trong quản lý về quy hoạch xây dựng, đất đai dẫn đến không phát hiện và kịp thời xử lý hành vi chủ đầu tư xây dựng công viên nước không phù hợp quy hoạch, sử dụng đất không đúng mục đích..
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ