Theo ông, virus SARS-CoV-2 vẫn là kẻ thù chung số 1, nhưng "hành động của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều đó".
Ông Tedros nhận định, nếu chính phủ các nước không thực thi một chiến lược toàn diện nhằm ngăn chặn virus lây lan và người dân không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản thì chỉ có một khả năng là dịch bệnh sẽ diễn biến ngày càng tồi tệ hơn.
|
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. |
Tiến sĩ Tedros cho rằng trong khi nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Châu Âu và Châu Á, đã kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh, thì tại các khu vực khác của thế giới dịch bệnh đang trở nên phức tạp hơn.
“Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng nguy hiểm các trường hợp nhiễm COVID-19 ở một số quốc gia, các bệnh viện lại đầy ắp bệnh nhân”, ông Tedros cho biết. Mỹ và Brazil là hai quốc gia chiếm phân nửa số ca mắc của thế giới mỗi ngày.
Tuần trước, WHO đã cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới rằng đại dịch đã không còn nằm trong tầm kiểm soát và đang trở nên tồi tệ hơn. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 đã tăng gấp đôi trong sáu tuần qua.
Thậm chí, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã khóc ngay tại cuộc họp báo về tình hình COVID-19 toàn cầu khi ông kêu gọi thế giới cùng đoàn kết chống lại đại dịch. Ông cho biết kẻ thù thật sự của thế giới lúc này không phải virus gây dịch mà là "tình trạng thiếu hụt sự lãnh đạo và đoàn kết ở cấp độ toàn cầu và quốc gia", Washington Post đưa tin.
Hình ảnh ghi lại buổi họp báo cho thấy ông Tedros đã phát biểu trong sự xúc động và lấy tay lau nước mắt khi kêu gọi thế giới đoàn kết. "Liệu khó đến mức nào để con người có thể đoàn kết và chống lại kẻ thù chung đang giết hại các nạn nhân?", ông Tedros nói.
Người đứng đầu WHO đã chỉ trích phản ứng của một số quốc gia đối với virus, nói rằng hành động của nhiều quốc gia không phù hợp với mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Một số nước nới lỏng lệnh phong tỏa hiện đang phải chứng kiến sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2 vì không tuân thủ các phương pháp đã được kiểm chứng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Ông Tedros cho biết các nhà lãnh đạo thế giới cần phải đưa ra những thông điệp y tế công cộng rõ ràng. “Cần phải sử dụng tất cả các công cụ các nước có để kiểm soát đại dịch này. Và chúng ta cần phải làm điều đó ngay bây giờ”, TS Tedros nói.
Trong khi đó, Mỹ cho rằng WHO đã ứng phó chậm chạm với dịch bệnh từ bước đầu, khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại. Mỹ sau đó tuyên bố rút khỏi WHO.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ