Đây là nhận định được đưa tra trong một báo cáo của Công ty nghiên cứu Oxford Economics Ltd. của Anh.
Theo báo cáo trên, đến năm 2024, nhu cầu du lịch nước ngoài sẽ chưa thể phục hồi về mức bình thường của năm 2019, phản ánh những tác động kinh tế của đại dịch và tâm lý tiêu cực kéo dài đối với ngành du lịch quốc tế, bao gồm cả du lịch giải trí và du lịch vì công việc.
Với mức giảm 57%, tương đương 847 triệu lượt khách, báo cáo cho rằng tất cả các khu vực trên thế giới đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh, trong đó các điểm đến ở Bắc Mỹ được dự báo giảm mạnh nhất (với 70%), tiếp đến là khu vực châu Á - Thái Bình Dương (57%). Trong châu Á - Thái Bình Dương, Đông Bắc Á sẽ đứng đầu bảng về thiệt hại, vì sẽ giảm tới 61%.
|
Riêng tại Nhật Bản, lượng du khách đến nước này trong tháng 7 giảm tới 99,9% so với một năm trước và là tháng giảm thứ tư liên tiếp do lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở châu Âu, du lịch xuyên biên giới cũng có nguy cơ giảm mạnh, khoảng 56%, bất chấp những nỗ lực mở lại biên giới và khởi động hoạt động du lịch của chính phủ một số nước.
Báo cáo của Công ty nghiên cứu Oxford Economics Ltd. còn cho thấy 10 thành phố có tỷ lệ giảm lượng khách du lịch nhiều nhất nhiều khả năng đều nằm ở Mỹ, trong đó New York có thể sẽ chứng kiến mức giảm tới 79%.
Dù du lịch toàn cầu đang dần hoạt động trở lại do những hạn chế đã được nới lỏng, triển vọng của ngành công nghiệp không khói vẫn không chắc chắn. Một loạt rủi ro tiêu cực từ sự bùng phát trở lại của Covid-19 gây ra nguy cơ phong tỏa trở lại và những mối quan ngại an toàn khi du lịch.
Theo một báo cáo do Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới công bố ngày 15/6, ngành du lịch và lữ hành đã tạo ra 330 triệu việc làm trong năm 2019 và đóng góp 10,3% cho nền kinh tế toàn cầu.
Để đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch, hội đồng này đã đề xuất trong báo cáo "việc áp dụng các quy định an toàn và y tế toàn cầu, thực hiện chiến lược xét nghiệm nhanh và truy vết để giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, cũng như sự hợp tác nhiều hơn giữa cộng đồng và các khu vực tư nhân để bảo đảm một cách tiếp cận toàn cầu được chuẩn hóa đối với cuộc khủng hoảng (Covid-19) hiện nay."
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ