Thái Nguyên: Cty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc tự ý tổ chức cưỡng chế trái luật?

Anh Bình 11:30 07/10/2020

Không có quyết định cưỡng chế nhưng một doanh nghiệp có trụ sở Ninh Bình đã tiến hành tổ chức phá dỡ công trình của hộ dân có dấu hiệu trái luật, trái thẩm quyền.

Qua tìm hiểu, bà Hoàng Thị Lý (tổ 7, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ) là Chủ sở hữu thửa đất ruộng số 67, tờ bản đồ số 5 có diện tích hơn 500m2. Đây cũng là thửa đất thuộc vùng dự án Đá Thiên của Cty Thiên Phúc.

Theo ghi nhận, từ năm 2008-2009 diện tích thửa đất ruộng trên đã bị san gạt sau đó đem phân lô xây dựng nhiều công trình trái phép trên đất lúa, trong đó có những công trình kiên cố bằng bê tông rồi cho người dân thuê lại để phục vụ mục đích kinh doanh, buôn bán.

Dãy hàng xây dựng trái phép trên đất lúa vẫn tồn tại sau gần một thập kỷ.

Nội dung kết luận 192 do UBND huyện Đồng Hỷ cũng khẳng định các công trình xây dựng trên chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Sau gần một thập kỷ tồn tại trái phép, mãi đến tháng 7/2019 một phần công trình thuộc “chuỗi” công trình xây dựng trái phép mới bị “cưỡng chế” tháo dỡ bởi một công ty tư nhân “quen mặt” – Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc, Chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên; đơn vị thi công công trình xây dựng phù điêu tại quảng trường Võ Nguyên Giáp Tp. Thái Nguyên. Đáng nói, hành vi trên là tự doanh nghiệp tổ chức thực hiện, không được cấp có thẩm quyền đồng ý, cho phép.

Video người dân cung cấp ghi nhận sự việc xảy ra sáng ngày 24/7/2019, những máy móc, nhân công được Cty Thiên Phúc huy động đưa vào tiến hành phá dỡ công trình của người dân. Người dân đề nghị đơn vị lập biên bản, cung cấp các văn bản, giấy tờ chứng minh đủ tư cách pháp lý, thẩm quyền để tiến hành phá dỡ nhưng phía đơn vị không cung cấp được. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, trái pháp luật, xâm phạm gia cư bất hợp pháp nên người dân khu vực gần tìm cách ngăn cản việc làm trái luật của Công ty Thiên Phúc.

Hình ảnh buổi phá dỡ do Công ty Thiên Phúc thực hiện

Lúc này, ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty Thiên Phúc, Chủ đầu tư dự án Đá Thiên xuất hiện lập luận vì công trình xây dựng trên đất ruộng là trái phép, thấy “bất bình” nên Công ty đã gửi cho hộ dân, cá nhân liên quan hai văn bản thông báo yêu cầu phải tự phá dỡ trước ngày 26/7/2019 nhưng người dân không tự giác chấp hành. Chính vì vậy, ông Thân khẳng định ông và Công ty Thiên Phúc có quyền đưa máy móc, nhân công “làm thay nhiệm vụ” chính quyền địa phương để phá dỡ công trình trên?

“Nếu nói về luật đây là công trình trái phép, tôi phải tuân thủ pháp lệnh nên phải phá dỡ ra. Tôi phải phá cái công trình này, đây là quyền của tôi, tôi không cần thỏa thuận cái gì, với ai. Tôi đã thông báo cho người dân hai lần yêu cầu phải tháo dỡ trước ngày 26/7/2019” – ông Đỗ Khắc Thân nói.

Ngay sau đó, máy móc, nhân công được đơn vị huy động để phá bỏ hoàn toàn công trình của hộ dân trước sự bất bình của người dân khu vực. Được biết, thửa đất có công trình bị phá dỡ thuộc đất vùng dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên do Công ty Thiên Phúc làm Chủ đầu tư.

Qua tìm hiểu, dự án trên sử dụng trên 10 ha đất lúa nên theo quy định cần trình và hiện chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tại thời điểm tháng 7/2019, dự án chưa có Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM). Hành vi doanh nghiệp tự ý đưa máy móc, nhân công vào phá dỡ công trình phải chăng đang bất chấp luật định để triển khai dự án?

Trở lại câu chuyện, cần nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện cưỡng chế, xử lý, phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng trái phép thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. Trao đổi với báo chí, Ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau xác nhận địa phương chưa tổ chức tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên thửa đất ruộng số 67. Việc Công ty đưa máy móc, nhân công tổ chức phá dỡ do chủ sở hữu khu đất nhờ… “phá giúp” với lý do phong thủy không tốt.

Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Thông tư 02/2014/TT-BXD và Nghị định 180/2007/NĐ-CP thì khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt hành chính ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đồng thời thông báo cho Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định cưỡng chế phá dỡ.

Đối với công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt gửi hồ sơ đến Chủ tịch UBND cấp huyện để ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ.

Không có thẩm quyền nhưng lại nhân danh… “pháp lệnh” để tiến hành phá dỡ, hủy hoại tài sản của người dân, phải chăng Công ty Thiên Phúc đang ngồi “xổm” trên luật? Có hay không sự bao che, “tiếp tay” cho doanh nghiệp tổ chức cưỡng chế trái luật, trái thẩm quyền để lấy mặt bằng triển khai dự án?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.

Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc, trụ sở Ninh Bình hiện là Chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên. Dự án với quy mô gần nghìn tỷ đồng. Dự án sử dụng trên 10 ha đất lúa và chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Dự án đến nay đang “vấp” phải ý kiến trái chiều khi thu mua đất lúa tại thời điểm chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi.

Theo Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Cty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc tự ý tổ chức cưỡng chế trái luật? tại chuyên mục Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Xã hội
Tin tức mới nhất