Tòa sơ thẩm bác đơn
Liên quan đến đơn phản ánh và kêu cứu về việc bị chiếm giữ trái phép đất và nhà ở của chị Nguyễn Thị Thu Thảo (phường Tân Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), mới đây, Tòa án Nhân dân TP Dĩ An đã mang vụ án này ra xét xử sơ thẩm và ban hành Bản án số 105/2020/DS-ST về việc kiện đòi nhà, đất cho ở nhờ; tranh chấp Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tranh chấp quyền sử dụng đất.
Theo nội dung của Bản án, TAND TP Dĩ An đã quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Thảo về tranh chấp kiện đòi nhà và đất cho ở nhờ đối với các bị đơn bà Nguyễn Thị Út, Nguyễn Thị Tới và ông Nguyễn Văn Thơm.
Đồng thời, TAND TP Dĩ An cũng chấp nhận toàn bộ yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn Phước với nguyên đơn là chị Thảo. Theo đó, TAND TP Dĩ An tuyên Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất số công chứng 4259, quyển số 08-TP/CC-SCC/HĐGD do Văn phòng công chứng Dĩ An công chứng ngày 25/08/2014 giữa ông Nguyễn Văn Tấn, bà Lê Thị Thu Thuỷ với chị Thảo bị vô hiệu.
Công nhận ông Nguyễn Văn Phước được quyền quản lý, sử dụng đối với diện tích đất 234m2 và các tài sản trên gắn liền với đất tại khu đất này. Ông Nguyễn Văn Phước được toàn quyền sử dụng tài sản này sau khi thanh toán cho chị Thảo 23.454.000 đồng.
TAND TP Dĩ An cũng kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số sê ri BV057847, số vào sổ cấp giấy chứng nhận số CH13509 do UBND TP Dĩ An cấp ngày 15/09/2015 cho chị Thảo để cấp lại cho ông Phước theo quyết định của bản án này.
|
Chị Thảo và người bảo vệ quyền lợi cho rằng bản án không dựa vào chứng cứ là không thuyết phục |
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, tại sao trong phiên xử có một số sai sót về mặt tố tụng và hàng loạt mâu thuẫn về lời khai của người làm chứng được Luật sư của nguyên đơn trình bày một cách cụ thể, nhưng không được Hội đồng xét xử của TAND TP Dĩ An xem xét chấp nhận? Trong khi đó, Hội đồng xét xử lại bổ sung quan hệ pháp luật tranh chấp mới khi tuyên bản án? Bởi vì, khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử và cả quá trình thụ lý giải quyết trước đó, TAND TP Dĩ An đã xác định rõ đây là: “Tranh chấp về kiện đòi nhà, đất cho ở nhờ”’, nhưng khi tuyên án lại xác định quan hệ pháp luật tranh chấp thành “kiện đòi nhà, đất cho ở nhờ; tranh chấp Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tranh chấp quyền sử dụng đất”???
Sau khi TAND TP Dĩ An tuyên án, chị Thảo và người bảo vệ quyền, lợi ích của mình đã rất bức xúc với những phán quyết của Hội đồng xét xử.
Nhiều sai sót?
Theo Luật sư Lê Ngô Trung – Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng Sự (Luật sư của nguyên đơn), trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử của TAND TP Dĩ An đã có nhiều sai sót rất nghiêm trọng về tố tụng như việc xác lập tư cách tố tụng của người liên quan. Điển hình như trường hợp ông Huỳnh Phú Kỳ, hầu hết cả quá trình và các văn bản trước đó, TAND TP Dĩ An xác lập với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bản thân ông Kỳ (và các người anh của ông) đều thống nhất khai rằng “tôi cũng không tranh chấp gì đối với thửa đất này”. Chỉ đến khi tuyên án (sau khi luật sư trình bày và phân tích hậu quả của việc xác định sai tư cách tham gia tố tụng của ông Kỳ), thì Hội đồng xét xử mới thay đổi tư cách tham gia tố tụng của ông Kỳ thành người làm chứng.
Ngoài ra, còn có các sai sót về mặt tố tụng khác như: Thủ tục định giá tài sản, việc triệu tập người bảo vệ quyền và lợi ích nguyên đơn tham gia các buổi làm việc…
Bên cạnh đó, Luật sư Trung cũng chỉ ra những mâu thuẫn về lời khai của người làm chứng và những người liên quan. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Phước, theo lời khai của ông Phước thì khoảng năm 2009 ông Tấn có làm một tờ “giấy cam kết” với nội dung ông Tấn chỉ đứng tên giùm ông Phước phần diện tích đất đang tranh chấp. Thế nhưng, trong “giấy cam kết” này, ông Tấn lại ghi rõ số chứng minh thư của mình, và chứng minh thư này được cấp vào ngày 27/06/2018 (hoàn toàn trùng khớp với ngày cấp của chứng minh thư hiện nay), tức sau khi “giấy cam kết” này ra đời … 9 năm.
Hay như việc người đại diện của ông Phước lại phủ nhận lời khai của chính ông. Bởi trước đó, ông Phước đã khai rằng tới lúc chị Thảo kiện ra toà thì ông Phước mới biết khu đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tấn và ông Tấn đã cho, tặng lại cho chị Thảo. Nhưng tại toà, người đại diện của ông Phước lại khai rằng ông Phước biết ông Tấn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2010.
|
Ngôi nhà là sở hữu hợp pháp của chị Thảo bị mất trắng theo phán quyết này của Toà sơ thẩm |
Cũng tại phiên toà xét xử, trước những sai sót về mặt tố tụng và các tình tiết, nội dung mâu thuẫn nhau trong hồ sơ chứng cứ, lời khai của bị đơn, người liên quan và người làm chứng được luật sư của nguyên đơn chỉ ra thì phía người đại diện của bị đơn lại không đối đáp được. Thay vào đó, người đại diện của ông Phước (bên có yêu cầu độc lập được Hội đồng xét xử chấp thuận toàn bộ) lại đề nghị Hội đồng xét xử không nên quá chú trọng vào phần chứng cứ, mà cần xem xét về mặt tình cảm, đạo đức, tư cách cá nhân... để có một bản án công tâm, hợp tình, hợp lý(?).
Quan trọng hơn, khi nhận định, thì Hội đồng xét xử lại cho rằng lời khai của ông Phước phù hợp với lời khai của người liên quan (ông Tấn, em ông Phước) và những người làm chứng.
Đồng thời, HĐXX cũng nhận định việc ông Tấn thừa nhận việc đứng tên giùm cho ông Phước là tình tiết không cần phải chứng minh theo Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong khi thực tế, người đang đứng tên đất hiện nay là chị Thảo (nguyên đơn) hoàn toàn phản đối lời khai này.
Theo Luật sư Trung, ngoài lời khai có quá nhiều mâu thuẫn của bị đơn, người liên quan và người làm chứng, thì phía người có yêu cầu độc lập (ông Phước) không hề có bất kỳ tài liệu chứng cứ nào, cũng như không đưa ra được lập luận nào để chứng minh cho yêu cầu của mình là có cơ sở, ngoài “giấy cam kết” hoàn toàn bịa đặt và giả mạo như trên. Ngay cả việc tại phiên Tòa, đại diện của người liên quan có yêu cầu độc lập (đại diện ông Phước) thay đổi một phần yêu cầu từ “hủy hợp đồng tặng cho” thành “tuyên hợp đồng tặng cho vô hiệu” cũng được phía HĐXX dễ dàng chấp thuận là vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng. Do đó, việc tuyên án như trên là hoàn toàn thiếu cơ sở và hết sức bất công dành cho nguyên đơn.
Được biết, không chấp nhận với phán quyết của phiên xử sơ thẩm, chị Thảo đang tiến hành nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án lên toà phúc thẩm theo quy định.
Như chúng tôi đã thông tin về vụ việc, năm 1982, bố chị Thảo là ông Nguyễn Văn Tấn đã nhận chuyển nhượng phần đất có diện tích 234m2 tại Dĩ An, tỉnh Bình Dương từ ông Huỳnh Văn Tô với giá 12 ngàn đồng (theo hồ sơ do ông Tấn kê khai khi tiến hành xin công nhận quyền sử dụng đất nộp cho UBND). Sau khi mua phần đất này, ông Tấn cho bà Nguyễn Thị Út (là em ruột ông Tấn) ở nhờ để tiện chăm sóc mẹ của hai người.
Ngày 30/06/2010, UBND huyện Dĩ An (nay là TP Dĩ An) đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần đầu) số BB 846568 đối với khu đất này. Đến ngày 25/08/2014, ông Tấn và bà Lê Thị Thu Thuỷ (vợ ông) quyết định giao cho chị Thảo toàn bộ phần đất và tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời, ngày 19/05/2014, chị Thảo đã được UBND TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BV 057847, số vào sổ cấp GCN CH 13509 đối với toàn bộ thửa đất và nhà nói trên.
Sau khi lấy chồng và ra riêng sinh sống một thời gian, khi trở về lại đây để sinh sống thì chị Thảo bị người họ hàng của chị (bao gồm cả những người mới dọn về ở) gây khó dễ, thậm chí không cho cô bước vào khu đất và nhà, vốn là sở hữu hợp pháp của mình.
Mặc dù, đã nhiều lần thương lượng và đưa ra đề xuất, thậm chí tự nguyện tặng 1/2 phần đất nhưng những người này vẫn không đồng ý mà muốn chiếm luôn phần đất này. Bất đắc dĩ, chị Thảo phải làm đơn khởi kiện ra toà án để đòi quyền lợi hợp pháp cho mình.
Hoàng Quyên/Sỡ hữu trí tuệ