Dịch Covid-19 diễn biến từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế với các ngành nghề khác nhau, trong đó, tổn thất lớn nhất phải kể đến nhóm doanh nghiệp ngành hàng không.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp hàng không đều đã công bố lợi nhuận quý 2/2021 và 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp đều ghi nhận lỗ nặng chưa từng có.
Dịch vụ hàng không phân hóa rõ nét trong 6 tháng đầu năm 2021
Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dịch vụ hàng không đã có sự phân hóa sắc nét trong 6 tháng đầu năm 2021. Tại mảng vận hành các dịch vụ gắn liền tới lượng khách hàng tới sân bay như bán lẻ, cung cấp suất ăn, phòng chờ, nhà hàng,... đều ghi nhận lỗ đậm.
Đơn cử như CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs, AST) ghi nhận lỗ ròng quý 2/2021 hơn 32 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 15 tỷ của quý 2/2020. Đây cũng là quý lỗ nặng nề nhất trong lịch sử hoạt động của ông lớn dịch vụ hàng không này.
Sau 6 tháng đầu năm, Taseco Airs ghi nhận doanh thu thuần hơn gần 109 tỷ đồng, giảm hơn 55% so với cùng kỳ, trong khi lỗ ròng gần 63 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi nhẹ 500 triệu đồng của cùng kỳ. Nhìn ngược về quá khứ, mức lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021 còn cao hơn mức lỗ của cả năm 2020 (49 tỷ đồng).
Cùng cảnh ngộ, Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) vẫn ngậm ngùi báo lỗ ròng quý 2/2021 hơn 24 tỷ đồng, cao hơn cả mức lỗ 19 tỷ đồng của cùng kỳ và là quý lỗ nặng thứ hai trong lịch sử (chỉ sau quý 3/2020). Kết quả này đã nâng lỗ lũy kế của NCS lên 70 tỷ đồng.
Sau nửa năm 2021, dù đã loay hoay tìm mọi cách vực dậy hoạt động kinh doanh giữa dịch bệnh, từ việc cố gắng đưa sản phẩm xuống phố cho tới ra mắt sản phẩm mới như trà sữa nhưng NCS vẫn chấp nhận lỗ ròng 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 18 tỷ đồng.
Nối tiếp NCS và AST, Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, HOSE: SAS) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng rơi vào cảnh thua lỗ.
|
Hãng bay và doanh nghiệp dịch vụ hàng không làm ăn lãi - lỗ ra sao giữa mùa dịch? |
Cụ thể, quý 2/2021 khoản doanh thu tài chính giảm mạnh 81% và chỉ còn 23,2 tỷ đồng. Các khoản chi phí tăng mạnh khiến ông lớn kinh doanh hàng miễn thuế tại Sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận lỗ ròng 14,5 tỷ đồng. Sau 6 tháng, SAS lỗ ròng gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 52 tỷ đồng.
Là đơn vị kinh doanh trong ngành hàng không, CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS) cũng không nằm ngoài khó khăn. Các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng không của MAS suy giảm so với cùng kỳ khiến lỗ sau thuế 4,2 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, MAS lỗ 7,4 tỷ đồng, tăng so với con số 6,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) báo lỗ ròng quý 2/2021 gần 10 tỷ đồng; sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 20,6 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, bức tranh lợi nhuận ngành hàng không vẫn có điểm sáng giữa đại dịch.
Theo đó, mảng dịch vụ hàng hóa và phục vụ mặt đất vẫn 'ăn nên làm ra'. Điển hình như CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) báo lãi kỷ lục 150 tỷ đồng trong quý 2/2021, tăng 51% so với cùng kỳ. Sau 6 tháng, SCS ghi nhận doanh thu thuần 408 tỷ đồng và lãi ròng gần 288 tỷ đồng, tăng tương ứng 24% và 30% so với cùng kỳ.
Tương tự, CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) báo lãi sau thuế đạt 19,5 tỷ đồng, cao gấp gần 8 lần so với cùng kỳ và lãi sau thuế công ty mẹ đạt 21,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nửa năm, SGN báo lãi sau thuế giảm 32% xuống còn 52,4 tỷ đòng.
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Mã: NCT) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm hơn 106 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
NCT cho biết, doanh nghiệp đã có biện pháp thích ứng như đẩy mạnh các chuyến vận tải hàng hóa, tháo ghế trên cabin chở khách để chuyển hàng, … Số tàu khách bị cắt giảm mạnh nhưng các tàu hàng vẫn được khai thác, sản lượng hàng quốc tế vẫn duy trì và tăng trưởng tốt.
Đáng chú ý, là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2021 đạt 1.572 tỷ đồng, tăng trưởng 56,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 507 tỷ đồng, trái ngược với số lỗ 322 tỷ của quý 2/2020. Trong 6 tháng đầu năm, ACV lãi 1.369 tỷ đồng, tăng 11,5% và thực hiện 71,4% kế hoạch cả năm.
Các hãng bay: VJC lãi vỏn vẹn 4,5 tỷ nhờ hoạt động tài chính, HVN ước lỗ gần 6.000 tỷ
Quý 2/2021, Vietjet (VJC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.542 tỷ đồng và lỗ gộp 1.278 tỷ. Tuy nhiên nhờ có doanh thu tài chính gần 1.800 tỷ đồng, hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn ghi nhận 4,5 tỷ lãi sau thuế và lãi ròng gần 6 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 8.386 tỷ đồng và 127 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) đã gửi công văn tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đề nghị được gia hạn công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên tình hình kinh doanh thua lỗ là bức tranh hiện hữu của doanh nghiệp này.
Theo bản cáo bạch được công bố ngày 20/7 vừa qua, HVN ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đạt 14.075 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ 2020. Ngoài ra, tổng công ty cũng ghi nhận 247 tỷ đồng doanh thu tài chính và gần 58 tỷ đồng thu nhập khác.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức giữa tháng 7/2021, ban lãnh đạo công ty ước tính số lỗ hợp nhất trong 6 tháng đầu năm nay là 10.788 tỷ đồng, riêng quý 2/2021 lỗ khoảng 5.900 tỷ.