|
Là hai ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lớn trong nhóm các ngân hàng hàng đầu Việt Nam hiện nay, tuy nhiên cả Vietcombank và BIDV đều có những thế mạnh và hạn chế riêng nếu đem cân đo đong đếm từng tiêu chí.
Tổng tài sản BIDV gấp 1,2 lần Vietcombank
Vốn hóa thị trường ngày 25/10/2019 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lần lượt là 326.381 tỷ đồng và 137.432 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2019, vốn điều lệ của Vietcombank và BIDV lần lượt là 37.088 tỷ đồng và 34.187 tỷ đồng.
Như vậy vốn hóa của Vietcombank gấp 2,37 lần BIDV, chủ yếu do giá cổ phiếu của Vietcombank hiện gấp 2,2 lần giá cổ phiếu của BIDVvà vốn điều lệ của Vietcombank gấp 1,08 lần. Tuy nhiên BIDV sắp hoàn tất chào bán riêng lẻ 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank và vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 34.187 tỷ đồng lên hơn 40.220 tỷ đồng và sẽ sớm vượt mức vốn điều lệ của hiện tại của Vietcombank. Quy mô vốn hóa của BIDV cũng sẽ tăng lên do số lượng tăng thêm 603,3 triệu cổ phiếu.
Tổng tài sản của Vietcombank và BIDV tại 30/9/2019 lần lượt là 1.157.490 tỷ đồng và 1.425.398 tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu lần lượt là 81.390 tỷ đồng và 59.377 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của BIDV gấp 1,23 lần so với Vietcombank.
Quy mô tổng vốn chủ sở hữu của BIDV hiện đang nhỏ hơn Vietcombank, tuy nhiên với tổng giá trị giao dịch ước tính thương vụ chào bán riêng lẻ cho KEB Hana bank là hơn 20.295 tỷ đồng, sau khi hoàn tất thương vụ tổng vốn chủ sở hữu của BIDV sẽ tăng lên khoảng 79.672 tỷ đồng, gần bằng quy mô tổng vốn chủ sở hữu của Vietcombank.
Tại ngày 30/9/2019, hệ thống của Vietcombank có 106 chi nhánh trên toàn quốc, 7 công ty con tại Việt Nam, 3 công ty con tại nước ngoài với tổng số lượng cán bộ công nhân viên là 18.838 người. BIDV có 189 chi nhánh trong nước, 01 chi nhánh nước ngoài, 11 công ty con với tổng số cán bộ công nhân viên là 25.745 người. BIDV vượt trội về số lượng chi nhánh và quân số so với Vietcombank, lần lượt gấp 1,8 lần và 1,4 lần.
Như vậy, BIDV có quy mô lớn hơn Vietcombank ở nhiều tiêu chí như tổng tài sản, số lượng chi nhánh, nhân viên.
Nợ “xấu” của cả hai đều cao
Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2019 của Vietcombank và BIDV lần lượt là 14.127 tỷ đồng và 5.496 tỷ đồng. ROEvà ROA của Vietcombank 9 tháng đầu năm 2019 lần lượt là 1,22% và 17,36%; BIDV lần lượt là 0,39% và 9,26%. Vietcombank vượt trội so với BIDV về khả năng sinh lời.
Trong khi đó, tổng nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn của của Vietcombank và BIDV lần lượt là 7.625 tỷ đồng và 22.435 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank và BIDV lần lượt là 708.095 tỷ đồng và 1.073.510 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn trên tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank và BIDV lần lượt là 1,08% và 2,09%.
Tài sản có sinh lời (gồm: Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, Tiền gửi tại và cho vay các tổ chức tín dụng khác, chứng khoán kinh doanh, cho vay khách hàng, chứng khoán đầu tư, góp vốn đầu tư dài hạn) của Vietcombank và BIDV lần lượt là 1.145.721 tỷ đồng và 1.375.392 tỷ đồng.
Tỷ lệ Tài sản có sinh lời/tổng tài sản của Vietcombank và BIDV lần lượt là 99,0% và 96,5%. Xét ở cả hai tiêu chí đánh giá chất lượng tài sản, Vietcombank đều tốt hơn BIDV. Cụ thể Vietcombank có tỷ lệ nợ “kém chất lượng” ít hơn và tỷ lệ tài sản có sinh lời lớn hơn BIDV.
Như vậy có thể thấy, BIDV hiện có quy mô lớn hơn Vietcombank nhưng Vietcombank có khả năng sinh lời và chất lượng tài sản tốt hơn. Liệu với sự tham gia của cổ đông chiến lược KEB Hana bank, BIDV có thể cải thiện năng lực quản trị và khả năng sinh lời trong tương lai để có thể cạnh tranh với Vietcombank về các chỉ tiêu khả năng sinh lời và chất lượng tài sản.
Theo Việt Đặng/Tài chính Doanh nghiệp