Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vietcombank có những chuyển động đáng chú ý trên báo cáo tài chính

Theo ANTT 16:46 25/10/2019

Vietcombank vừa công bố BCTC riêng lẻ quý III/2019 với những con số và chuyển động đáng chú ý.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (mã VCB) vừa công bố BCTC riêng lẻ quý III/2019.
Theo số liệu được công bố, tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 702,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 12%.
Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn
Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác của ngân hàng ở mức 217,9 nghìn tỷ đồng, giảm 13,2% so với đầu năm. Đáng chú ý, ở khoản mục này, Vietcombank đang trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 1.000 tỷ đồng.
Khoản trích lập này hàm ý có yếu tố rủi ro ngay cả ở cho vay và gửi tại các tổ chức tín dụng khác - những khoản thường ít phát sinh rủi ro trong hệ thống ngân hàng nói chung.
Được biết, trong thời gian qua, Vietcombank có tham gia hỗ trợ tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém. Khoản dự phòng, do đó, nhiều khả năng được trích lập cho khoản hỗ trợ này.
Tăng mạnh đầu tư vào trái phiếu ngân hàng khác
Một chuyển động tiếp tục thể hiện rõ tại Vietcombank trong 9 tháng đầu năm nay là việc gia tăng mạnh đầu tư vào trái phiếu của ngân hàng khác.
Cụ thể, trong khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, ngân hàng đã mua thêm gần 7.000 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành, tương đương tăng 44,8% so với đầu năm.
Tương tự, trong khoản mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành cũng tăng 61%, lên mức hơn 36,4 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh tiền gửi khách hàng tăng trưởng tới 12,48% so với đầu năm, trong khi “room” tín dụng cho 3 tháng cuối năm không còn quá xông xênh (chỉ tiêu cả năm cho Vietcombank là 15%), thì việc đầu tư vào trái phiếu ngân hàng khác dường như là một lựa chọn hợp lý cho ngân hàng.
Bởi, khoản đầu tư vào trái phiếu ngân hàng thương mại khác của ngân hàng sẽ không bị tính vào tín dụng. Theo đó, giúp ngân hàng “giải phóng” được nguồn tiền nhàn rỗi trong khi vẫn tuân thủ các giới hạn quy định.
Mặt khác, hướng chuyển động đầu tư vào trái phiếu và giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng khác cho mức sinh lời cao hơn, thay vì nguồn vốn nhàn rỗi đó dùng làm con thoi lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng.
Nợ phải trả đang gia tăng “cố thủ”
Điểm đáng chú ý khác, ở phía Nợ phải trả, khoản tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước dường như đang gia tăng “cố thủ” tại Vietcombank khi tăng mạnh lượng tiền gửi có kỳ hạn.
Cụ thể, theo báo cáo, đến cuối tháng 9, mặc dù tổng lượng tiền gửi thanh toán của Kho bạc đã giảm 14,4% so với đầu năm (từ gần 87,1 nghìn tỷ xuống còn 74,58 nghìn tỷ đồng), nhưng lượng giảm chủ yếu ở tiền gửi không kỳ hạn.
Riêng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank lại tăng mạnh tới 23,7%, lên 69,25 nghìn tỷ đồng.
Trong khi, theo Thông tư số 58/2019/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại do Bộ Tài chính vừa ban hành, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2019 tới, thì toàn bộ nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước hiện nay đang nằm tại các ngân hàng thương mại phải đổ về tài khoản tổng hợp của Kho bạc Nhà nước tại Trung ương và tài khoản này tập trung tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Lợi nhuận đạt quy mô "tỷ đô"
Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm, Vietcombank tiếp tục đạt được kết quả ấn tượng, với phần lớn các mảng đều có lợi nhuận tăng trưởng tốt. Và ứng viên ngân hàng đầu tiên của Việt Nam có lợi nhuận đạt quy mô "tỷ đô" đã lấp ló sau 9 tháng, đặc biệt là nếu không tiếp tục thực hiện trích dự phòng rất lớn.
Cụ thể, mảng tín dụng mang về cho ngân hàng khoản lãi hơn 25,6 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 27,1% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng tới 35%, lên 3,3 nghìn tỷ đồng.
Hoạt động ngoại hối của Vietcombank cũng là một trong những điểm sáng trong kỳ kinh doanh này khi lãi tới hơn 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 57,6% so với cùng kỳ) trong bối cảnh phần lớn các nhà băng báo lỗ hoặc lợi nhuận giảm sút mạnh trong kỳ qua.
Riêng hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần có dấu hiệu đi xuống, ghi nhận lợi nhuận lần lượt 90 tỷ đồng và 146 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong kỳ nhích nhẹ 6,4%, lên 12.451 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 4%, xuống còn 4.800 tỷ đồng.
Theo đó, kết thúc 9 tháng đầu năm, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 17.250 tỷ đồng, tăng tới 51,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về chất lượng tài sản, 9 tháng đầu năm, Vietcombank trích lập dự phòng rủi ro thêm tổng cộng 3.817 tỷ đồng, nâng tổng con số dự phòng trích lập lên hơn 14 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng theo đó đã tăng lên 185,9%, so với con số 165,4% hồi đầu năm. Với con số này, Vietcombank đang dẫn đầu hệ thống về tỷ lệ số dư dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vietcombank-co-nhung-chuyen-dong-dang-chu-y-tren-bao-cao-tai-chinh-d62626.html

Bạn đang đọc bài viết Vietcombank có những chuyển động đáng chú ý trên báo cáo tài chính tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng