Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Vì sao lợi nhuận VietCapitalBank lao dốc trước thềm lên UPCoM?

Theo ANTT 15:39 24/10/2019

VietCapitalBank bỗng tăng trích lập dự phòng trong quý 3 tới 144% nhưng không rõ tình hình nợ xấu của nhà băng này như thế nào

Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất với thu nhập lãi thuần 9 tháng đạt 690 tỷ đồng, tăng gần 18% so cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận lãi thuần tăng khá mạnh tới 131%, lên mức 43 tỷ đồng. Hoạt động khác cũng tăng 51% khi đạt 30 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối lại lao dốc 83%, xuống mức 19 tỷ đồng. Hay mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm 6%, còn gần 44 tỷ đồng.

Trong khi đó chi phí hoạt động vẫn tăng gần 27%, chiếm 632 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận thuần trước dự phòng của VietCapitalBank giảm 32%, xuống mức 194 tỷ đồng.

Cho nên dù nhà băng này giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 24%, còn 109 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế cuối cùng vẫn giảm mạnh gần 42% khi chỉ đạt 67 tỷ đồng sau 9 tháng.

Ngược lại, riêng trong quý 3/2019, chi phí dự phòng của Ngân hàng Bản Việt lại tăng vọt 144%, lên mức 63 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế quý 3 cũng giảm 57%, còn 29 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9, cho vay khách hàng của Ngân hàng Bản Việt ghi nhận tăng khá 11,06%, lên mức 32.973 tỷ đồng. Nhưng tiền gửi của khách hàng chỉ nhích nhẹ 2,2% để lên mức 34.231 tỷ đồng.

Nợ xấu thực sự dưới 2%?

Mặc dù trong báo cáo thường niên hàng năm, Ngân hàng Bản Việt vẫn cập nhật tỷ lệ nợ xấu đều từ 1-2% trong giai đoạn 2015-2018. Riêng năm 2013 tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này lên tới 4,1%.

Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng Bản Việt đều có xu hướng gia tăng trong 2014-2018, từ mức 39 tỷ đồng đến 127 tỷ đồng của năm 2018. Và 9 tháng 2019 dự phòng là 109 tỷ đồng.

Có thể hình dung được phần nào nợ xấu của Viet Capital Bank thời gian qua, thông qua con số chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ngày một tăng, mặc dù thuyết minh BCTC không hề được công bố.

Ở thời kỳ hoàng kim năm 2011, chi phí dự phòng chỉ ở mức 11 tỷ đồng, chiếm chỉ 3% lợi nhuận thuần. Thế nhưng đến năm 2016, cũng là thời kỳ đen tối trong hoạt động kinh doanh của Viet Capital Bank, chi phí dự phòng chiếm đến 85%, mặc dù lợi nhuận thuần chỉ có 82 tỷ đồng. Và đến năm 2018, mặc dù lợi nhuận thuần đã tăng trưởng khá rõ rệt đạt 224 tỷ đồng, nhưng chi phí dự phòng vẫn tiếp tục tăng cao, chiếm 57% lợi nhuận thuần.

Nguồn: VietstockFinance

Trong báo cáo thường niên hàng năm, Viet Capital Bank vẫn cập nhật tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng, nhưng không hề có bản chi tiết thuyết minh BCTC. Tỷ lệ nợ xấu từ năm 2015 - 2018 đều thấp hơn 2% kể từ thời điểm 4.1% vào năm 2013. Thế nhưng con số này đã làm hài lòng nhà đầu tư khi không có số liệu cụ thể cho phần thuyết minh phân loại nợ xấu?

Nhiều cổ đông lớn dần thoái vốn?

Về cổ đông lớn, tại thời điểm cuối năm 2018, CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigonnic) chính là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Bản Việt với tỷ lệ 13.62%.

Saigonnic tham gia vào Bản Việt vào năm 2010 cùng với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Tín Phát (12.2%) và CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (8.16%), sau khi Vietcombank (34,1%), Saigonbank (7,1%) và NamABank (5,2%) thoái hết vốn tại đây. Tính đến cuối năm 2011, ba cổ đông này sở hữu 33.98% vốn của Ngân hàng Bản Việt.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2018, chỉ còn Saigonnic là cổ đông lớn duy nhất của Bản Việt.

Những thông tin ít ỏi của Bản Việt khiến nhà đầu tư tò mò trong bối cảnh nhà băng này vừa có động thái chuẩn bị lên sàn UPCoM với mã chứng khoán BVB.

Còn về kết quả kinh doanh thì không ổn định, nhất là có những quý hoạt động thua lỗ như quý 2 và 4 của năm 2018.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-loi-nhuan-vietcapitalbank-lao-doc-truoc-them-len-upcom-d62607.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao lợi nhuận VietCapitalBank lao dốc trước thềm lên UPCoM? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng