Hà Nội, Thứ Tư Ngày 01/05/2024

Đầu tư trái phiếu là gì? Những rủi ro khi đầu tư trái phiếu

Theo ANTT 09:44 24/10/2019

Đầu tư trái phiếu là một hình thức đầu tư an toàn và hiệu quả, nhất là khi đặt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hoặc có các biến động lớn. Vậy đầu tư trái phiếu là gì?

Đầu tư trái phiếu là gì?

Đầu tư trái phiếu là thực hiện một giao dịch cho vay với người đầu tư trái phiếu là người cho vay và người phát hành trái phiếu (Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng hay tổ chức tài chính) là người đi vay. Nhà phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán cho trái chủ theo các cam kết nợ được xác định trong hợp đồng vay.

Trái phiếu là một công cụ tuyệt vời để tạo ra thu nhập và đầu tư trái phiếu được coi là sự đầu tư an toàn, đặc biệt là khi so sánh với đầu tư cổ phiếu.

Những rủi ro khi đầu tư trái phiếu

Rủi ro lãi suất

Lãi suất và giá trái phiếu có mối quan hệ nghịch đảo:

Khi lãi suất giảm, các nhà đầu tư cố gắng nắm bắt hoặc “khóa” lợi suất cao nhất trong thời gian lâu nhất có thể. Họ sẽ thu lãi từ trái phiếu trả lãi suất cao hơn so với giá thị trường bấy giờ. Sự gia tăng nhu cầu dẫn đến việc tăng giá trái phiếu.

Ngược lại, khi mức lãi suất hiện hành tăng lên, các nhà đầu tư đương nhiên sẽ từ bỏ những trái phiếu trả lãi suất thấp. Điều này sẽ làm cho giá trái phiếu giảm xuống.

Rủi ro tái đầu tư

Đặc tính có thể thu hồi của trái phiếu cho phép tổ chức phát hành mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn. Kết quả là, người sở hữu trái phiếu nhận được khoản thanh toán gốc có giá trị cao hơn so với mệnh giá.

Tuy nhiên, mặt trái của một trái phiếu có thể thu hồi đó là nhà đầu tư nhận được tiền nhưng không thể tái đầu tư ở mức lãi suất tương đương. Về lâu dài, rủi ro tái đầu tư có tác động xấu đến lợi nhuận đầu tư.

Để bù đắp rủi ro này, đối với những trái phiếu không có đặc tính thu hồi, các nhà đầu tư trái phiếu sẽ nhận được mức lãi suất cao hơn.

Rủi ro lạm phát

Khi chi phí sinh hoạt và lạm phát gia tăng với tốc độ nhanh hơn so với tốc độ của lãi suất đầu tư trái phiếu? Khi đó, sức mua của các nhà đầu tư sẽ giảm và thậm chí có thể thu về mức lợi suất âm.

Cụ thể, giả sử một nhà đầu tư trái phiếu có khả năng thu được mức lãi suất 2%, nếu lạm phát tăng lên đến 4% sau khi họ đầu tư, thì lợi suất của nhà đầu tư thực tế chỉ còn là -2%.

Rủi ro tín dụng

Trái phiếu chính phủ thường được coi là có mức độ rủi ro thấp nhất, vì Chính phủ có khả năng thu thuế hoặc phát hành tiền để trả nợ. Các công ty không có những quyền đó, do vậy trái phiếu công ty có mức độ rủi ro cao hơn và phải trả lãi suất cao hơn cho nhà đầu tư.

Rủi ro thanh khoản

Thanh khoản là khả năng chuyển đổi thành tiền của tài sản. Có một loại rủi ro đó là nhà đầu tư có thể không bán được trái phiếu doanh nghiệp của mình một cách nhanh chóng do thị trường của trái phiếu đó quá nhỏ với chỉ vài người mua và bán.

Lãi suất thấp trong một đợt phát hành trái phiếu có thể dẫn đến biến động giá đáng kể và có tác động xấu đến tổng lợi nhuận của trái chủ (khi bán). Cũng giống như cổ phiếu được giao dịch trong một thị trường thưa thớt, bạn có thể buộc phải bán trái phiếu với một mức giá thấp hơn nhiều so với dự kiến.

Rủi ro xếp hạng

Nếu một công ty bị xếp hạng tín dụng thấp hoặc khả năng kinh doanh và trả nợ có vấn đề, ngân hàng hay các tổ chức cho vay có thể tính lãi suất cao hơn cho các khoản vay sau này của công ty. Điều này có thể có tác động xấu đến khả năng đáp ứng các khoản nợ với các trái chủ hiện tại của công ty và gây tổn thất cho các trái chủ khi muốn bán trái phiếu.

Đầu tư trái phiếu có thể tạo ra một dòng thu nhập cho các nhà đầu tư, nhưng đôi khi cũng có thể đem đến những rủi ro nếu nhà đầu tư không đủ sáng suốt. Tuy nhiên, đầu tư trái phiếu sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi nhà đầu tư đã nắm vững những kiến thức cơ bản về trái phiếu, tìm ra những nhân tố thị trường quen thuộc và có thể lường trước được những rủi ro có thể xảy đến với mình.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/dau-tu-trai-phieu-la-gi-nhung-rui-ro-khi-dau-tu-trai-phieu-d62600.html

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư trái phiếu là gì? Những rủi ro khi đầu tư trái phiếu tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng