Nhà đầu tư cá nhân lao vào trái phiếu doanh nghiệp
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 9 tháng đầu năm nay có 151 doanh nghiệp thực hiện thành công 446 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, qua đó huy động được tới hơn 179.084 tỷ đồng. Trong đó, nhiều đợt phát hành thu hút 100% nhà đầu tư cá nhân tham gia.
Cụ thể như đợt huy động 44,2 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất lên tới 13%/năm vào ngày 24/6 của Công ty cổ phần Vận chuyển Mercury, có 49 nhà đầu tư cá nhân tham gia mua toàn bộ lượng trái phiếu phát hành thành công.
Hay Công ty Chứng khoán Trí Việt (TVB- HOSE) vào đầu tháng 7/2019 đã phát hành được 80 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất 10,53%/năm cho 42 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức.
Trên thị trường thứ cấp, theo Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), hiện quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 98% tổng số trái phiếu đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và HNX là do TCBS tư vấn và thực hiện.
Đồng thời, TCBS nắm giữ tới hơn 80% thị phần giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư trên sàn. Lũy kế từ đầu năm đến hết quý III/2019, TCBS đã phân phối ra thị trường hơn 17.353 tỷ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, thu hút hơn 25.330 khách hàng trên toàn quốc tham gia đầu tư tính từ thời điểm sản phẩm ra mắt thị trường năm 2014.
Hiện trạng trên cho thấy, sau khi áp dụng cơ chế thông thoáng tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, sự sôi động của thị trường đã thu hút nhà đầu tư cá nhân gia tăng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp…, vì sức hút lời cao.
Kể cả mua sơ cấp lẫn thứ cấp, nhà đầu tư được nhà phát hành lẫn đơn vị tư vấn bán sản phẩm cam kết mức lợi tức trên dưới 9%/năm, cao hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm 6-7%/năm…
“Lòng tham” đang chiến thắng khi nhà đầu tư quan tâm đến kiếm lời nhiều hơn là thận trọng với các rủi ro xuất hiện khi doanh nghiệp phát hành không trả lãi suất cũng như thanh toán gốc trái phiếu, rủi ro trái phiếu mất thanh khoản...
“Bảo lãnh phát hành” không có nghĩa bảo lãnh thanh toán
Hiện nay, theo quy định, doanh nghiệp chỉ cần có thời gian hoạt động tối thiểu từ 1 năm, có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán; có phương án phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận; thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có)… là được phát hành trái phiếu.
Quy định này đã tạo điều kiện cho những doanh nghiệp nhỏ khó vay vốn ngân hàng có thể huy động vốn hoạt động, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam nhà đầu tư tham gia sẽ chịu nhiều rủi ro nhất là với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) Nguyễn Thị Kim Oanh xác nhận: Với các nhà đầu tư cá nhân, có một bộ phận biết phân tích và chấp nhận rủi ro cao, tương ứng là lãi suất cao khi lựa chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cá nhân còn nhầm lẫn rằng, một công ty chứng khoán đứng ra bảo lãnh phát hành thì trái phiếu đó là của công ty chứng khoán phát hành và ngân hàng mẹ đứng ra bảo lãnh.
Trên thực tế, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chứng khoán Kỹ thương - (TCBS) cho biết, khái niệm “bảo lãnh phát hành” được hiểu là công ty chứng khoán bảo lãnh nỗ lực tối đa việc phát hành, song không có nghĩa cam kết không phát hành được thì sẽ đứng ra mua hết; cũng không có nghĩa sẽ “bảo lãnh thanh toán” cho nhà đầu tư mua trái phiếu.
Ông Minh cho biết: Công ty chứng khoán thẩm định hồ sơ phát hành và phải chịu trách nhiệm toàn bộ tính chính xác của các thông tin đó như: Chiến lược kinh doanh, tình hình tài chính, phương án sử dụng vốn trái phiếu, phương án trả nợ…
“Báo cáo tài chính chỉ đại diện 20-30% tổng thể cần đánh giá. Phải xem, nếu xây dựng nhà máy mới: Tiến độ lắp đặt thế nào, máy về đúng không, vận hành ra sao... Thậm chí, có những doanh nghiệp không còn trái phiếu nào nữa nhưng chúng tôi vẫn theo dõi. Hoặc có những doanh nghiệp đã quan hệ rất thân thiết rồi nhưng khi họ phát hành vẫn phải đánh giá lại lần nữa”, ông Minh nhấn mạnh.
Lãi suất càng cao, rủi ro càng lớn
“Trái phiếu doanh nghiệp là một sản phẩm rủi ro, càng lãi suất cao thì rủi ro càng lớn, nên nếu gia tăng các cụ ông, cụ bà đem tiền dành dụm được sau khi nghỉ hưu, khoản tiền lương ít ỏi mà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp là đáng báo động. Khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán cho trái chủ đến ngày trái phiếu đáo hạn, thì nhà đầu tư đối mặt với rủi ro lớn…”, nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết.
Một “cái bẫy” với nhà đầu tư theo góc nhìn của giám đốc pháp chế một công ty quản lý quỹ là Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Thời gian hạn chế 1 năm kể từ khi phát hành là quá ngắn. Sau thời gian này, trái phiếu phát hành riêng lẻ được giao dịch rộng rãi ra đại chúng, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, trong khi khoảng thời gian 1 năm có thể sức khỏe tài chính của tổ chức phát hành biến động, các nhà đầu tư cá nhân không đủ thời gian và hiểu biết để lường hết các rủi ro có thể xảy ra...
Theo ý kiến của chuyên gia ở Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), việc thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có chất lượng tin cậy và trung tâm định giá trái phiếu tập trung dẫn đến thiếu thông tin cơ sở cần thiết để nhà đầu tư có thể đánh giá tương quan rủi ro - lợi suất mà trái phiếu đem lại.
Hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm còn rất hạn chế, khiến chất lượng trái phiếu đang ở trạng thái “tốt xấu lẫn lộn”, dẫn tới nhà đầu tư vừa khó khăn, vừa mất nhiều thời gian tìm hiểu, đánh giá về doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư trái phiếu.
Mặt khác, đặc thù của đầu tư vào trái phiếu là giá trị lớn, trong khi nhiều đợt phát hành theo hình thức riêng lẻ, không có tài sản bảo đảm, nên rủi ro lớn với nhà đầu tư, nhất là trong giai đoạn phát triển ban đầu với tính chuyên nghiệp của thị trường còn hạn chế…
Từ thực trạng trên, ý kiến từ Bộ Tài chính cho biết, đã đến lúc cảnh báo về hoạt động đầu tư của nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ vào trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh hiểu biết của họ về sản phẩm này còn hạn chế.
Hơn ai hết, nhà đầu tư cần ý thức được những rủi ro tiềm ẩn với khoản đầu tư của mình, chứ không có chuyện mua là lãi cao, là được đảm bảo 100% về thanh toán lãi và gốc trái phiếu.
Khi có nhu cầu đầu tư, thì nhà đầu tư cần trực tiếp tìm hiểu kỹ các thông tin về đơn vị phát hành; trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, có hay không có bảo lãnh phát hành; ai là tổ chức tư vấn, đại lý phát hành…, chứ tránh nghe thông tin một chiều từ đơn vị phát hành, tư vấn.