Khu vui chơi giải trí Thuần Việt: Có câu chuyện chiếm dụng đất công?
Gần đây, người dân tại thôn Phấn Động, xã Tam Đa, huyện Yên Phong vô cùng bức xúc trước hiện trạng dự án cụm công nghiệp của người dân bỗng biến thành khu vui chơi giải trí. Trong khi, hoạt động kinh doanh của người dân lại đang vô cùng bất cập vì thiếu điểm tập kết, chỗ để… phải cơi nới và để tràn lan ra đường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các phương tiện lưu thông trên địa bàn.
Cụ thể, dự án Khu vui chơi giải trí Thuần Việt được dựng lên xuất phát từ quy trình đấu giá quyền sử dụng đất, từ một cuộc đấu giá công khai. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, thì cuộc đấu giá đất này đã được cán bộ địa phương bày binh bố trận thâu tóm. Bằng hình thức sử dụng người thân trong gia đình làm “bình phong”, ông Vũ Đình Minh - Phó bí thư Đảng ủy xã Tam Đa đã sở hữu 2/3 diện tích dự án.
Mặc dù đã thông tin đình chỉ công trình sau thanh tra nhưng tại công trình vẫn diễn ra hoạt động đầm nền. |
Được biết, sau khi thâu tóm diện tích đất kể trên, bất chấp pháp luật, dự án khu vui chơi giải trí Thuần Việt ngang nhiên xây dựng dù chưa có chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa có quyết định phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước.
Thêm vào đó, theo phản ánh của người dân, hàng loạt nhà hàng, quán cafe, khu vui chơi,… mang tên Thuần Việt được một doanh nghiệp xây dựng trên đất giao trái thẩm quyền nhưng sau khi bị thanh tra lại chờ được thay đổi mục đích sử dụng. Việc làm trên đang tạo một tiền đề cho những sai phạm khác vô tư mọc lên và hơn thế là việc coi thường pháp luật của lãnh đạo UBND xã Tam Đa.
Ngoài các hạ tầng đã hoàn thiện thì bắc ngang qua mương tưới tiêu của người dân một cây cầu bằng tre, trước cửa các công trình có một bảng đá giới thiệu “Nhà hàng Thuần Việt – Đậm hương sắc Việt”. Phần phía sau công trình trên thì một số công trình như bể bơi, cầu trượt nước cũng đang được xây dựng và hoàn thiện.
Toàn bộ công trình sinh thái sai phạm mang tên Thuần Việt tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang chờ “phù phép” |
Việc các công trình sai phạm trên nghiễm trên được tồn tại đang có sự tiếp tay của các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn bởi diện tích đất xây dựng đầu tiên là 2ha nhưng đến nay mở rộng ra 4ha khiến diện tích đất canh tác của người dân cũng đang dần bị thu hẹp.
Sau khi thâu tóm diện tích dự án cụm công nghiệp tại thôn Phấn Động, xã Tam Đa, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển TNT (Công ty TNT) là đơn vị trực tiếp đứng ra thực hiện khu vui chơi giải trí Thuần Việt, bất chấp sự tôn nghiêm của pháp luật.
Sai phạm rồi lại "hợp thức hóa sai phạm"?
Quá trình ghi nhận, ngoài những bức xúc của người dân địa phương thì một hiện trạng cũng khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi: Chính quyền địa phương đang ở đâu khi công trình mới bắt đầu sai phạm?
Đáng nói, những công trình sai phạm chỉ cách trụ sở UBND xã Tam Đa chưa đầy 300m nhưng lãnh đạo địa phương lại tỏ ra “không hay biết” để nhiều công trình vô tư xây dựng và hoàn thiện. Đây là một dự án không phải nhỏ tại địa phương, xây dựng trên chính diện tích được các cơ quan quản lý phê duyệt thực hiện đấu giá công khai quyền sử dụng đất nhưng hoạt động xây dựng sai phạm lại không được chính quyền các cấp hay biết là điều không thể chấp nhận được.
Thế nhưng, mâu thuẫn ở chỗ thông tin với PV Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 03/6, ông Nguyễn Duy Phúc – Phó chủ tịch UBND huyện Yên Phong cũng thừa nhận, việc PV nêu về khu Thuần Việt là có và ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện cũng đã cho thành lập đoàn thanh tra xuống làm việc và yêu cầu đình chỉ hoạt động xây dựng ngay tại thời điểm dự án mới bắt đầu(?). Và cho tới nay, UBND tình Bắc Ninh cũng đã có quyết định chủ trương đầu tư(?).
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Đa cũng cho hay: “Diện tích đất của hệ thống sinh thái Thuần Việt đã bị thanh tra và đã yêu cầu dừng(?)”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vị này cũng khẳng định: “Toàn bộ dự án đang chờ chủ trương chuyển đổi(?)”. Nhưng khi PV yêu cầu được cung cấp toàn bộ thông tin hồ sơ về vụ việc thì vị lãnh đạo này lại cho biết: Tôi phụ trách văn xã nên không có hồ sơ, toàn bộ nội dung Chủ tịch đã trao đổi lại để thông tin, còn các cơ quan chuyên môn thì đi vắng(?).
Vậy câu hỏi đặt ra là chủ trương nào đã làm căn cứ để địa phương này câu giờ “phù phép” cho sai phạm thành đúng? Hay có chăng chủ trương của xã Tam Đa đang đi ngược với Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước “hôm nay để sai rồi ngày mai hoàn thiện đúng”?
Vì những mâu thuẫn trên, dư luận hoàn toàn có quyền hoài nghi và đặt câu hỏi rằng có hay không sự lạm quyền, để "chống lưng" cho doanh nghiệp làm trái các quy định của pháp luật, để tồn tại sai phạm rồi lại "hợp thức hóa sai phạm"?
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ