Bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia
Như đã biết, cụm liên kết ngành là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và doanh nghiệp, tổ chức có liên quan cùng hợp tác và cạnh tranh. Hiện nay, việc phát triển không gian kinh tế, hình thành các cụm liên kết ngành là xu thế phát triển phổ biến được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng với mục đích nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một nghiên cứu mới đây của CIEM đã khảo sát kinh nghiệm xây dựng các cụm liên kết ngành ô tô của Thái Lan, cụm liên kết ngành nho Maharashtra và cụm liên kết ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ, qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng.
Thứ nhất, Chính phủ chú trọng và khuyến khích việc xây dựng và thực thi các chính sách “từ dưới lên”, với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và các bên liên quan tại địa phương. Mặt khác, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa cách tiếp cận “từ trên xuống” và “từ dưới lên” trong quá trình ban hành và thực thi các chính sách nhằm cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành. Thứ hai, quy hoạch, phân bổ không gian phù hợp để xây dựng và hình thành các cụm liên kết ngành là quan trọng.
Thứ ba, triển khai và đảm bảo các chính sách kinh tế của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các cụm liên kết ngành, đặc biệt là các đơn vị sản xuất trong cụm. Những chính sách này cần tập trung vào đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút FDI…
Thứ tư, đẩy mạnh liên kết giữa các thành viên hình thành qua các hoạt động sản xuất. Các thành viên trong cụm cần liên kết thành một chuỗi dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh và khép kín, đồng thời hình thành mạng lưới chia sẻ thông tin kỹ thuật, phục vụ công tác cải tiến công nghệ.
Những định hướng cụ thể
Tại Việt Nam, thời gian qua chúng ta đã có nhiều nỗ lực hình thành, phát triển cụm liên kết ngành. Nhiều chính sách phát triển không gian kinh tế ở Việt Nam, nhất là cụm liên kết ngành, đã cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách, định hướng lớn của Đảng và Chính phủ.
Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh hình thành các vùng công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp, trong đó cụm liên kết ngành công nghiệp là trọng tâm.
Chính phủ đã có Quyết định 32/QĐ-TTg, ngày 13/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh gồm: Điện tử và công nghệ thông tin; dệt may; chế biến lương thực thực phẩm, máy nông nghiệp; du lịch và các dịch vụ liên quan.
Các hình thái ban đầu của cụm liên kết ngành đã được hình thành tại một số khu công nghiệp, khu kinh tế như: Cụm dệt may ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (Cụm vệ tinh trong chuỗi giá trị toàn cầu), Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai, hay các tổ hợp sản xuất của doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, các doanh nghiệp Nhật Bản lớn (tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long)...
Trong tương lai, theo bà Minh, việc trao đổi, đối thoại và nghiên cứu chính sách đều nhấn mạnh yêu cầu hình thành cụm liên kết ngành theo các định hướng sau: Một là, hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công - nông nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm.
Hai là, tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng trên cả nước.
Ba là, cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước nhằm thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn