Hạn chế tốn kém nguồn lực
Ngày 22/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023..., ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề nghị cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch Covid-19 để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác.
Theo đại biểu Lân Hiếu, trong thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch.
“Bằng chứng là tỉ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm Covid-19 hay các đơn vị điều trị Covid hiện nay ngày càng giảm xuống. Trong hội trường này không thấy ai đeo khẩu trang cả mà theo đúng quy định của đại dịch là phải đeo khẩu trang”, đại biểu Lân Hiếu nêu dẫn chứng.
Theo đại biểu Lân Hiếu, Chính phủ cần tuyên bố chuyển giai đoạn chống dịch mới với các quy định cụ thể để hạn chế tốn kém nguồn lực cũng như sẵn sàng nếu dịch bùng phát hoặc dịch khác xuất hiện.
Các thuốc, vật tư tiêu hao dự phòng đều có hạn sử dụng, cần ra quyết định để chuyển nguồn sử dụng trong điều trị bệnh lý khác.
“Theo tôi được biết hầu hết các tỉnh đều chi khoản tiền rất lớn để mua các thuốc, trang thiết bị, vật tự để dự phòng theo quy định. Đến tháng 3 tới thì trung bình một năm thuốc sẽ hết hạn, chúng ta cần chuyển nguồn”, đại biểu nói.
Trong các trang thiết bị hiện đại được mua cho chống dịch như máy thở, ECMO, lọc máu, X-quang di động... cần thống kê, phân bố sử dụng tránh hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu.
Chúng ta biết nhiều nơi đại dịch xảy ra mua dồn rất nhiều máy vào đó hiện nay không dùng thì hỏng mất nên phải thống kê lại rồi chia cho các địa phương, các tỉnh miền núi, nhất là miền núi phía Bắc.
“Tôi có đi kiểm tra các tỉnh miền núi phía Bắc trong đại dịch chưa kịp mua, trong khi miền Nam rất nhiều máy móc được mua, chuyển vào đó. Các bệnh nhân Covid-19 sẽ được khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế như các bệnh lý khác thông thường để cho các bệnh viện chủ động thanh toán, không dùng tiền ngân sách hiện nay nữa, đó là điều các bệnh viện đang rất cần”, đại biểu Lân Hiếu nói.
Nhanh chóng khắc phục bất cập
Thêm một vấn đề được Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ ra đó là việc mua sắm thuốc men, hóa chất, vật tư tiêu hao.
“Tôi làm Giám đốc bệnh viện trực tiếp đương đầu với khó khăn này thì tôi thấy việc giải quyết không phải quá khó nhưng cách xử lý còn quá chậm, ảnh hưởng đến sự chăm sóc sức khỏe nhân dân, có nguy cơ tạo nên hệ lụy khôn lường, không mua được dẫn đến các bệnh viện không có thuốc, có thể khiến các hãng dược rời khỏi Việt Nam, không tham gia cung cấp trang thiết bị”, đại biểu Lân Hiếu nói.
Do đó, đại biểu đề nghị cần nhanh chóng sửa chữa những bất cập, chỉ rõ những gì cần sửa đổi trong thông tư, nghị định.
Đại biểu Lân Hiếu cũng nói thêm, hiện có rất nhiều câu hỏi là trước dịch mua thuốc, vật tư trang thiết bị không vấn đề gì nhưng hết dịch mua lại khó.
Tuy nhiên, điều này không phải, trước dịch đã khó rồi mà sau dịch còn khó hơn vì những thông tư, nghị định vừa mới ra đời đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua sắm. Như thông tư 14 năm 2020, nghị định 98 năm 2021.
Từ đó, đại biểu Lân Hiếu đề nghị, hình thức đấu thầu thuốc hóa chất, vật tư tiêu hao hiệu quả nhất lúc này phải quay lại cái cũ - tức là giao lại trực tiếp cho đơn vị sử dụng còn đấu thầu tập trung tất cả các nơi đều khó khăn.
“Bộ khó đằng bộ, Sở khó đằng sở nên cần giao lại cho các đơn vị sử dụng trực tiếp đấu thầu, chịu trách nhiệm cá nhân chứ chúng ta lại sợ trách nhiệm, đẩy lên trên là không được”, đại biểu Lân Hiếu nói.
Đại biểu cũng nêu ví dụ một sở y tế có hàng chục nghìn mặt hàng để đấu thầu, nhưng chỉ 1-2 mặt hàng tra nhầm giá, thông tin là dừng lại cả chục ngàn mặt hàng khác. Như vậy, không kịp để phục vụ người dân.
Bệnh viện là người sử dụng trực tiếp nên sẽ hiểu rõ nhất nhu cầu, số lượng, chất lượng những mặt hàng cần mua.
Bên cạnh đó, Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần quy định rõ ràng, cụ thể để các bệnh viện có tiêu chuẩn, tiêu chí đưa ra trong hồ sơ mời thầu, để lựa chọn được hàng hóa tốt nhất.
Đại biểu Lân Hiếu nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, gây ra mất uy tín, suy giảm chất lượng của hệ thống y tế. Chúng ta đã có Bộ trưởng Bộ y tế mới nên trong giai đoạn tới cần nhanh chóng từ nay đến cuối năm các thông tư, nghị định phải sửa để ngành yên tâm công tác”.
Đánh giá thêm về tình trạng thiếu thuốc
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho biết, chúng ta vừa trải qua hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 thành công, tuy nhiên “tổn thương” sau đại dịch vẫn còn ảnh hưởng khá nặng nề.
Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, đại biểu cho rằng tình trạng xảy ra tại các bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến việc khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Y tế đánh giá thêm về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở tuyến cơ sở.
Về mua sắm thuốc, đại biểu chỉ ra nguyên nhân do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện; tâm lý e dè không dám mua sắm; khâu giải quyết hồ sơ…