Hà Nội, Thứ Hai Ngày 07/10/2024

Việt Nam tham gia các FTA: Cơ hội song hành thách thức

VIETQ 10:37 25/10/2022

Việc Việt Nam tham gia các FTA mang lại nhiều lợi ích thiết thực, không những giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, mà còn chứng minh sự bắt nhịp nhanh

Tham gia FTA nghĩa là mở cửa cho hàng hóa nước ngoài vào thị trường trong nước, ngược lại, hàng hóa trong nước dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới hơn. Ảnh minh họa.

Không chỉ hàng Việt “xuất ngoại” mà hàng ngoại cũng “đổ bộ” vào nước ta

Tính đến nay, Việt Nam có 17 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), trong đó có 15 Hiệp định đã và đang thực hiện, 2 Hiệp định còn lại vẫn chưa hoàn tất đàm phán. Nhìn vào bản đồ FTA có thể thấy, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển duy nhất trên toàn cầu có số lượng FTA nhiều và với nhiều “ông lớn” như vậy.

Việc tham gia các FTA mang lại nhiều lợi ích thiết thực, không những giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, mà còn chứng minh sự bắt nhịp nhanh chóng của nước ta so với các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, việc tham gia các FTA cũng là áp lực lớn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Việt Nam. Cụ thể, không chỉ hàng Việt Nam “xuất ngoại” mà hàng ngoại cũng “đổ bộ” vào nước ta thuận lợi hơn nhờ ưu đãi từ các FTA. Bởi xét về mặt nguyên tắc, tham gia FTA có nghĩa là mở cửa cho hàng hóa nước ngoài vào thị trường trong nước, ngược lại, hàng hóa trong nước dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới hơn.

Người tiêu dùng có đa dạng lựa chọn, bên cạnh các sản phẩm nội địa thì việc lựa chọn các sản phẩm nước ngoài trên kệ các siêu thị cũng không còn là điều lạ lẫm. Bởi mục tiêu lớn nhất trong sản xuất vẫn là đặt quyền và lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu.

Điển hình như đối với thị trường dệt may, vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều thương hiệu thời trang ngoại thuộc các phân khúc vào thị trường Việt Nam. Một số thương hiệu đã gây “sốt” thị trường và ngay ở thời điểm hiện tại vẫn có sức hút lớn với người tiêu dùng Việt. Câu hỏi đặt ra rằng đâu là ưu thế của các thương hiệu thời trang Việt khi chinh phục người tiêu dùng trong nước?

Làm sao để không thua trên “sân nhà”?

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni Group nhận định, ưu thế lớn nhất của thương hiệu thời trang Việt Nam chính là lợi thế “sân nhà”. Trong kinh doanh nói chung và thời trang nói riêng, không có gì mang lại lợi thế cho thương hiệu bằng việc am hiểu thị trường địa phương, đặc biệt là nhu cầu và văn hóa tiêu dùng. Việc mua sắm sản phẩm thời trang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố vùng miền, văn hóa địa phương. Mỗi vùng miền, mỗi thành phố lại có đặc trưng tiêu dùng sản phẩm thời trang rất khác nhau, dù đó là thời trang bình dân hay thời trang cao cấp.

Trong khi đó, những thương hiệu thời trang quốc tế có ưu thế bởi mẫu mã luôn đi theo xu hướng thịnh hành nhất theo tiêu chuẩn toàn cầu nhưng họ lại không có những dòng sản phẩm dành riêng cho thị trường nhỏ lẻ, trong đó có Việt Nam. Chính vì lẽ đó, ưu thế “sân nhà” của thương hiệu Việt được thể hiện rõ bởi họ rất am hiểu nhu cầu và mong muốn của khách hàng Việt Nam, nhất là khách hàng tại những tỉnh, thành phố không có sự hiện diện của thương hiệu quốc tế.

Khách hàng hiện nay hoàn toàn có thể mua sắm sản phẩm thương hiệu quốc tế nhờ những tiện ích của mua sắm trực tuyến nên không nhất thiết thương hiệu quốc tế phải hiện diện tại tất cả tỉnh thành, nhưng nhu cầu mua sắm sản phẩm hợp nhất với bối cảnh, không gian sống của khách hàng mới là yếu tố khiến thị trường tiếp tục lựa chọn sản phẩm của thương hiệu thời trang Việt ở nhiều phân khúc, từ bình dân đến cao cấp.

Không chỉ riêng với ngành dệt may mà với nhiều ngành, lĩnh vực khác thì góc nhìn trên vẫn hết sức hợp lý. Một số ý kiến khác cũng cho rằng, thay vì ngồi lo lắng việc hàng ngoại sẽ lấn át hàng nội thì ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam hãy đầu tư mạnh mẽ cho chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, đảm bảo các yếu tố “xanh”... có như vậy doanh nghiệp mới tự tin khẳng định vị thế.

Thời gian qua, triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, người tiêu dùng là những “giám khảo” đánh giá rất khách quan về sản phẩm. Cơ hội cho các doanh nghiệp là luôn có, điều cốt yếu vẫn là bản thân doanh nghiệp cần nhận thức được vấn đề và nắm bắt thời cơ.

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam tham gia các FTA: Cơ hội song hành thách thức tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước