Trước thực trạng cần bảo tồn khẩn cấp loài voọc mông trắng tại Hà Nam, Tổ chức FAUNA & FLORA Internaitional (FFI) có thư gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc bảo tồn khẩn cấp loài voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Theo Văn bản số 6026/VPCP-KGVX về việc bảo tồn loài voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng, Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh Hà Nam khẩn trương chỉ đạo tổ chức áp dụng các biện pháp cấp bách bảo vệ quần thể voọc mông trắng tại sinh cảnh sống tự nhiên trên địa bàn theo kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài sinh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628QĐ-TTg ngày 10/5/2017.
Rà soát đánh giá việc chấp hành yêu cầu về môi trường của các hoạt động khai thác đá trên địa bàn, bảo đảm không ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của loài voọc mông trắng trong tự nhiên.
Voọc mông trắng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ảnh: Internet |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hướng dẫn UBND tỉnh Hà Nam thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ loài voọc mông trắng trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam và các cơ quan địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất lập khu bảo tồn nhằm bảo tồn lâu dài quần thể voọc mông trắng trên địa bàn tỉnh Hà Nam theo quy định của pháp luật.
Voọc mông trắng là một trong năm loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới và chỉ được ghi nhận ở khu vực núi đá vôi thuộc xã Liên Sơn và thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, trong một vùng rừng núi nhỏ tiếp giáp với bốn tỉnh, TP là Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam và Hà Nội.
Hiện, voọc mông trắng chỉ còn tồn tại khoảng 300 cá thể ngoài tự nhiên, được phân bố chủ yếu tại khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình và vùng rừng thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Năm 2016, tại khu vực rừng Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể voọc mông trắng, một loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới với số lượng lên đến gần 100 con.
Tuy nhiên, khu vực này, trước đó đã được địa phương khai thác đá vôi phục vụ sản xuất xi-măng, dẫn tới môi trường sống của voọc mông trắng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Hoạt động khai thác đá gây ô nhiễm không khí, phá hoại thảm thực vật, hủy diệt khu rừng nguyên sinh duy nhất của Hà Nam - ngôi nhà của đàn voọc mông trắng. Nếu hoạt động này vẫn tiếp diễn, trong tương lai không xa, chúng sẽ biến mất", chuyên gia Lê Đắc Phúc, điều phối viên dự án của FFI nói và cho hay hiện có 4 trên tổng 13 đàn voọc đang sinh sống ở khu khai thác và quy hoạch khai thác đá.
Chuyên gia linh trưởng giải thích, đặc tính của loài voọc mông trắng là phân chia lãnh thổ, mỗi đàn ở khu vực rộng vài ha. Sự tồn tại lâu dài của loài này phụ thuộc vào khả năng di chuyển, giao phối giữa các đàn để duy trì nguồn gen. Hiện vẫn còn sự kết nối rừng trên núi đá vôi tại Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình), một phần rừng Hòa Bình, rừng Kim Bảng và khu vực Tam Chúc (Hà Nam), rừng đặc dụng Hương Sơn (Hà Nội). Trong đó, rừng Kim Bảng giữ vai trò trung tâm kết nối sinh cảnh.
Đại diện FFI đề xuất toàn bộ diện tích rừng ở huyện Kim Bảng khoảng hơn 4.000 ha, bao gồm cả diện tích rừng của khu du lịch Tam Chúc và một phần rừng của huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cần được công nhận là rừng đặc dụng, khu bảo tồn loài và sinh cảnh. Cùng với đó là lập ban quản lý và lực lượng bảo vệ rừng chuyên nghiệp.
"Chúng tôi hiểu rằng bài toán bảo tồn phải cân đối giữa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc thành lập khu bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ rừng sẽ bền vững cho nhiều thế hệ. Khai thác đá chỉ đem lại lợi ích trước mắt", chuyên gia Lê Đắc Phúc nói.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI), khu vực rừng thuộc huyện Kim Bảng có tới 13 đàn với 73 cá thể voọc mông trắng. Sau khu Vân Long ở tỉnh Ninh Bình, đây là quần thể lớn thứ hai của loài linh trưởng quý hiếm, đặc hữu của riêng Việt Nam nhưng cũng là loài bị đe dọa ở mức “cực kỳ nguy cấp” trong danh mục đỏ quốc tế IUCN. Vì vậy, việc bảo tồn loài voọc này có ý nghĩa lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cộng đồng thế giới.
Việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng là nhiệm vụ cấp bách, ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài linh trưởng này; đồng thời gìn giữ cảnh quan thiên nhiên của Kim Bảng và các khu vực lân cận.
Để cứu voọc mông trắng khỏi nguy cơ tuyệt chủng và bảo vệ quần thể Tam Chúc như một di sản thế giới, các cấp, các ngành cùng người dân tỉnh Hà Nam cần thực hiện ngay một số mục tiêu ưu tiên; ngừng mọi hoạt động khai thác đá vôi tại khu vực rừng tại huyện Kim Bảng và một phần của huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Hà Nam hiện còn khoảng 4.000 ha rừng nằm trên địa bàn hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Vùng rừng này là sinh cảnh sống cốt lõi của voọc mông trắng do đó mang ý nghĩa bảo tồn quan trọng nhất. Một số mỏ đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt ở phía Đông và Bắc của huyện Kim Bảng vẫn tiếp tục hoạt động sâu bên trong khu rừng tự nhiên. Các mỏ đá được quy hoạch tại huyện Thanh Liêm cũng tiếp tục hoạt động trong khu rừng tự nhiên. Đây là một thảm họa sinh thái; đồng thời gây tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Cần tiếp tục duy trì kết nối sinh cảnh. Mặc dù nhiều năm qua, khả năng tồn tại của voọc mông trắng phụ thuộc vào khả năng di chuyển cũng như sinh sản trong toàn bộ trong toàn bộ cảnh quan này. Nếu như hành lang sinh cảnh giữa những khu rừng này bị mất đi thì khả năng tuyệt chủng của loài linh trưởng này là rất cao.
Voọc mông trắng có trọng lượng khoảng 8,1 - 9 kg; chiều dài đầu và thân từ 0,46 - 0,665 m; trên đỉnh đầu có mào lông màu đen và vệt lông trắng khá rộng, kéo dài từ hai bên má lên phía trên vành tai. Chân có bộ lông màu đen, vùng mông có lông màu trắng kéo dài tới tận gốc đuôi và đùi; chân tay dài, đuôi dài hơn thân, lông đuôi màu đen.
Voọc mông trắng phân bố ở rừng già, rừng nguyên sinh trên núi đá nhiều hang động. Tuy nhiên, do sự chia cắt địa hình nên chúng sống cả trong sinh cảnh rừng nghèo, thậm chí chỉ có dây leo, bụi rậm. Thức ăn chủ yếu là chồi, lá, quả cây, vùng hoạt động kiếm ăn tương đối rộng, cả trên núi đất lẫn núi đá, phạm vi sống của mỗi đàn từ 20 - 50 ha.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường