Gian lận đấu thầu “phủ sóng” nhiều huyện
Khi tìm hiểu về hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh Hà Nam, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy các vụ việc gian lận xảy ra “nhan nhản” khắp nhiều huyện. Những cái tên như Kim Bảng, Duy Tiên, Phủ Lý… được nhắc đến nhiều nhất khi điểm danh tiêu cực xảy ra. Những vụ việc tiêu cực cũng rất phong phú và đa dạng về cả hình thức và cách thể hiện.
Cụ thể, có những công ty có dấu hiệu thực hiện hành vi gian lận thông tin về năng lực trong hồ sơ dự thầu để trúng nhiều gói thầu với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Lại có những công ty liên tiếp trúng nhiều gói thầu hàng chục tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước dù có nhiều dấu hiệu gian lận. Thậm chí, trong hoạt động đấu thầu, nhiều công ty còn mánh khoé sử dụng nhân sự đã được huy động cho gói thầu khác, có thời gian làm việc trùng với gói thầu đang tham gia dự thầu, nhưng vẫn dễ dàng “qua mặt” đơn vị tư vấn cũng như chủ đầu tư để trúng nhiều gói thầu hàng chục tỷ đồng.
Cùng điểm lại những lùm xùm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, mà chủ yếu là gian lận đấu thầu ở Hà Nam để cùng đi tìm nguyên nhân của vấn đề đang rất nóng tại địa phương này.
Chuyên gia tư vấn thiếu chứng chỉ hành nghề
Trước hết có thể kể đến tên công ty CP Phát triển công nghệ xây dựng Nam Hà (công ty Nam Hà – PV). Đây là công ty vướng nhiều lùm xùm sai phạm xảy ra ở huyện Duy Tiên. Theo thống kê trên mạng đấu thầu, Công ty Nam Hà là một đơn vị có thành tích đấu thầu “bách chiến bách thắng”, tính đến nay đã tham gia 39 gói thầu, trúng thầu 39 gói và “chưa trượt gói nào”.
Tại huyện Duy Tiên, công ty Nam Hà trúng khá nhiều những dự án tiền tỷ như: Dự án “Nâng cấp, cải tạo đường giao thông trục xã Chuyên Ngoại”, trúng thầu với giá hơn 6,7 tỷ đồng. Đây là dự án được Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên Phạm Hồng Thanh phê duyệt vào tháng 9/2020 và Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại Nguyễn Văn Mai ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu vào tháng 12/2020 cho công ty Nam Hà.
Chuyện sẽ không rùm beng nếu như 2/3 nhân sự trong hồ sơ tham gia dự thầu đã tiếp tục xuất hiện trong hồ sơ dự thầu dự án “Cải tạo, nâng cấp đường từ QL21B qua khu quy hoạch chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản xã Đồn Xá đến cầu Biên Hòa”, trị giá gần 3,8 tỷ đồng, do UBND xã Đồn Xá (huyện Duy Tiên) làm chủ đầu tư. Điều phi lý nữa đó là cả hai dự án đều có thời gian thi công trùng nhau.
Việc này đã vi phạm vào Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT của bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định rõ: “Nhà thầu không được kê khai những nhân sự đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu đang xét. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận”.
Bên cạnh đó, công ty Nam Hà còn trúng nhiều gói thầu khác trên địa bàn huyện Duy Tiên và những gói thầu này đều ít nhiều có vấn đề. Ví dụ như trong 3 dự án: “Xây dựng nhà tập đa năng trường THCS xã Yên Nam”, trị giá hơn 7,6 tỷ đồng do UBND xã Yên Nam làm chủ đầu tư; “Nâng cấp, cải tạo đường giao thông trục xã Hoàng Đông” và “Đầu tư hạ tầng khu đất hỗ trợ 7% phục vụ GPMB dự án xây dựng KCN Đồng Văn III tại xã Hoàng Đông” đều do UBND xã Hoàng Đồng (nay là phường Hoàng Đông) làm chủ đầu tư.
Đáng nói, cả ba dự án đều có đơn vị tư vấn là công ty CP công nghệ ICC (công ty ICC - PV). Tuy nhiên, tổ chuyên gia tư vấn đấu thầu gồm 3 thành viên thì có ông Trần Văn Chiến (Giám đốc công ty) là tổ viên tổ chuyên gia chỉ có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu cơ bản, do một công ty tư nhân cấp từ năm 2012. Trong khi đó, theo quy định tại luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP yêu cầu, các cá nhân tham gia tổ chuyên gia phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Nhân sự tham gia nhiều gói thầu cùng lúc
Tại huyện Kim Bảng, công ty TNHH đầu tư và phát triển Trường Giang, địa chỉ tại Quốc Lộ 1A, phường Thanh Châu, TP.Phủ Lý (Công ty Trường Giang – PV) nổi lên với nhiều dấu hiệu sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Cụ thể, tháng 8/2020, ông Nguyễn Trung Văn – Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng) đã ký phê duyệt cho công ty Trường Giang trúng gói thầu: “Cải tạo, sửa chữa trường tiểu học thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng”, với giá 6.724.134.000 đồng. Trong khi đó, gói thầu có trị giá 6.728.720.000 đồng, tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng.
Để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, công ty Trường Giang đã huy động hai nhân sự gồm ông Nguyễn Đình Trường (cán bộ kỹ thuật) và ông Lều Văn Thủy (cán bộ phụ trách an toàn lao động).
Đáng chú ý, Công ty này lại sử dụng hồ sơ dự thầu có nhân sự là ông Nguyễn Đình Trường là cán bộ kỹ thuật và ông Lều Văn Thủy là cán bộ phụ trách an toàn lao động tại gói thầu: “Mở rộng, nâng cấp đường từ QL.38 cũ đi ĐH.01(qua thôn Cát Thường) xã Nguyên Úy, huyện Kim Bảng” của UBND xã Nguyên Úy, sau khi nhận được thông báo mời thầu ngày 20/10/2020 của đơn vị này.
Có dấu hiệu gian lận đấu thầu, nhưng công ty Trường Giang tiếp tục được phê duyệt trúng thầu tại gói thấu “Xây dựng tuyến đường từ QL37B (nghĩa trang thôn Lĩnh Trung) đến trạm bơm Tiên Phong, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên” với giá 8.898.069.000 đồng, gói thầu có giá 8.910.741.000 đồng. Như vậy, tiết kiệm được cho ngân sách vỏn vẹn 12 triệu đồng.
Tại TP.Phủ Lý, dư luận vẫn không quên những ồn ào xung quanh các gói thầu của công ty TNHH An Bình. Theo đó, tháng 4/2020, ông Phạm Văn Nam – Chủ tịch UBND xã Thanh Hương ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công công trình “Đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông xã Thanh Hương”. Giá dự toán là 5.443.930.000 đồng, giá trúng thầu là 5.406.108.095 đồng, tỉ lệ tiết kiệm 0,69%.
Sau đó, tháng 7/2020, ông Trần Văn Đông – Phó Giám đốc ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Phủ Lý ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao đường Lý Thái Tổ - Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ - Lê Chân, Lý Thái Tổ - Đinh Công Tráng và Đinh Công Tráng - Hoàng Văn Thụ trên địa bàn TP.Phủ Lý. Giá dự toán 4.718.659.000 VND, giá trúng thầu là 4.705.047.000 VND, tỉ lệ tiết kiệm 0,29%, thực hiện trong vòng 5 tháng.
Được biết, công ty TNHH An Bình là đơn vị duy nhất tham gia dự thầu và trúng cả 2 gói thầu nêu trên với tỉ lệ tiết kiệm thấp, chưa đạt 1%.
Các gói thầu trên có thời gian thực hiện trùng nhau. Thế nhưng tại cả 2 gói thầu, công ty TNHH An Bình đều đưa ông Ngô Mạnh Hùng vào danh sách nhân sự chủ chốt trong hồ sơ dự thầu để tham gia đấu thầu.
Chuyện những “con cưng” của địa phương
Không chỉ vậy, tại Hà Nam còn tồn tại thực trạng có những doanh nghiệp nữa được coi là "con cưng" của địa phương. Cụ thể như ở huyện Lý Nhân, chỉ trong 1 ngày (7/2/2020), công ty TNHH An Dương đã lập nên “kỳ tích” trong hoạt động đấu thầu khi trúng 3 gói thầu Thi công xây dựng công trình.
Cụ thể, gói thầu “Nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa kênh tưới tiêu trạm bơm xóm 17, xóm 19 xã Chính Lý”; gói thầu thuộc dự án “Nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa kênh tưới tiêu trạm bơm Quang Trung xã Văn Lý” và gói thầu thuộc dự án “Nâng cấp, cải tạo tuyến đường GTNT xã Văn Lý, tuyến đường từ đường ĐT.492 (nhà ông Cương) đến ĐX.07 (nhà ông Thắng)” cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Cũng ở huyện Lý Nhân, từ đầu năm 2020 đến nay, công ty TNHH Xây dựng Huy Long trúng liên tục 6 gói thầu trên địa bàn do UBND các xã: Nguyên Lý, Nhân Đạo, Phú Phúc, Hợp Lý làm chủ đầu tư. Các gói thầu này có tỉ lệ tiết kiệm thấp bất thường, chưa đạt 1%.
Vì sao những tiêu cực xảy ra nhiều năm, nhiều nơi, nhiều thời điểm nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm? Vấn đề nằm ở năng lực của cán bộ địa phương, sự buông lỏng quản lý, hay do pháp luật còn nhiều kẽ hở?
Cơ quan chức năng có biết không? Tin rằng, với những cán bộ mẫn cán, có trách nhiệm, có trình độ, năng lực, kiến thức thì chắc chắn là biết. Nhưng vì sao những gian lận này vẫn cứ tồn tại cho đến khi dư luận báo chí phanh phui? Nhiều vụ việc dù được chỉ rõ sai phạm nhưng vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, hoặc có bị xử lý thì cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”?
PV sẽ tiếp tục thông tin ở bài viết sau.