Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử thế nào?

BÁO GIAO THÔNG 11:33 07/12/2020

Từ 12 đến 31/12, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống để hoàn thành đánh giá an toàn.

Lãnh đạo Ban QLDA, tổng thầu và Metro Hà Nội kiểm tra hiện trường dự án để chuẩn bị cho giai đoạn vận hành thử toàn hệ thống

Việc vận hành thử toàn bộ hệ thống cũng để tiến tới nghiệm thu tổng thể đưa vào khai thác, vận hành thương mại.

Cao điểm 2 - 3 phút/chuyến

Ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, trong thời gian vận hành thử, đoàn tàu vận hành theo đúng biểu đồ chạy tàu để tổng thầu, tư vấn đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn, chính xác của hệ thống; diễn tập các tình huống ứng phó khẩn cấp, nghiệm thu bảo vệ môi trường, hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Theo thiết kế tổng thể, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h.

Hệ thống được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành.

Khi khai thác, các đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống và tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.

“Từ 12/12, các đoàn tàu sẽ được vận hành từ 5h-23h hàng ngày. Trong giờ bình thường tổ chức chạy 6 đoàn, giờ cao điểm có 9 đoàn chạy theo hai hướng từ đầu tuyến đến cuối tuyến hai ga Cát Linh - Yên Nghĩa”, ông Phương thông tin.

Bên trong một chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông đang chạy thử trên chính tuyến trước ngày chính thức vận hành thử toàn hệ thống

Theo Ban QLDA đường sắt, trước khi vận hành thử hệ thống 20 ngày, tổng thầu dự án sẽ chạy thử đoàn tàu 8 ngày để kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục chuyên biệt.

Cụ thể, 3 ngày đầu sẽ kiểm tra hạng mục chạy tàu giao lộ nhỏ, kết hợp chạy giao lộ nhỏ và lớn; kiểm tra giãn cách 2, 3 phút/chuyến; các đoàn tàu chạy nối tiếp nhau 120 giây.

Thời gian này cũng kết hợp diễn tập các tình huống xử lý sự cố. Trong 5 ngày tiếp theo, có 6 đoàn tàu được đưa vào chạy thử trong thời gian 8h-18h từ đầu đến cuối ga ở cả hai hướng tuyến để nhân viên của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) tại các vị trí, bộ phận phối hợp vận hành theo quy trình biểu đồ chạy thử 20 ngày.

Nhân sự đã sẵn sàng, lái tàu có thể độc lập điều khiển

Theo Ban QLDA đường sắt, nội dung vận hành thử đã được lên kế hoạch chi tiết, cũng như sắp xếp bố trí nhân sự tham gia.

Về nhân sự, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc huy động nhân sự hơn 100 người của Tổng thầu EPC Trung Quốc và gần 10 chuyên gia Pháp của nhà thầu đánh giá độc lập về an toàn gặp nhiều khó khăn. Phải đến gần đây, đội ngũ nhân sự này mới được huy động đủ đáp ứng cho dự án.

Nhằm chuẩn bị cho vận hành thử, cuối tháng 11/2020, Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT), tổng thầu EPC và Metro Hà Nội phối hợp kiểm tra hiện trường dự án.

Đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong một lần vận hành thử vào hồi đầu tháng 11

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại ga Cát Linh và một số ga trên tuyến cho thấy, kiến trúc, cảnh quan và các hạng mục trong ga như máy bán vé, cổng soát vé, camera, thiết bị phòng cháy chữa cháy, ánh sáng, bảng chỉ dẫn, đồng hồ điện tử... đã hoàn thành lắp đặt.

Hệ thống thang cuốn ngoài trời, thang máy dành cho người khuyết tật được lắp đặt đầy đủ, trong đó thang dành cho người khuyết tật đã được đấu nối điện và vận hành ổn định. Âm thanh phát tại ga, biển chỉ dẫn dành cho hành khách được phát tự động bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Còn tại Depot, hạng mục kiến trúc cảnh quan, đường giao thông nội bộ, cây xanh đã hoàn tất. Bên trong tòa điều hành đã thi công hoàn tất, hệ thống máy chủ tại Trung tâm điều hành OCC và trang thiết bị văn phòng làm việc được trang bị đầy đủ.

Các phân khu chức năng như xưởng sửa chữa, đại tu, nơi vệ sinh tàu đều hoàn thành lắp đặt các máy móc, thiết bị. Các đoàn tàu của dự án được tập trung tại xưởng đỗ tàu đều có chứng nhận đăng kiểm còn thời hạn do Cục Đăng kiểm VN cấp.

Trong khi đó, quan sát trên chuyến tàu chở vài chục người từ ga Cát Linh đến Yên Nghĩa cho thấy, đoàn tàu do hai lái tàu chạy êm thuận, tốc độ có thời điểm đạt gần 80km/h, hệ thống âm thanh, đèn hiệu, chỉ dẫn bên trong tàu hoạt động ổn định, chính xác.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho biết, các nhân sự được đào tạo cho dự án đến nay đã sẵn sàng cho công tác vận hành thử, trong đó các lái tàu có thể độc lập điều khiển tàu, không cần sự kèm cặp trực tiếp của chuyên gia đào tạo thực hành.

Lãnh đạo Ban QLDA và Metro Hà Nội cho biết thêm, thời gian qua hai đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác chuẩn bị vận hành thử dự án, kiểm đếm các hạng mục thành phần của dự án để sẵn sàng cho công tác bàn giao tổng thể dự án trong giai đoạn tới.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Liên danh Apave-Certifier-Tricc đánh giá, chứng nhận an toàn độc lập. Nội dung đánh giá có các hạng mục: Độ tin cậy của đoàn tàu, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, hệ thống điện, tích hợp hệ thống; thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống và quản lý vận hành an toàn.

Theo Ban QLDA đường sắt, giai đoạn vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày nhằm hoàn thành công tác đánh giá an toàn hệ thống và phục vụ nghiệm thu. Thời gian vận hành thử có sự tham gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đối với dự án trên.

Link gốc : https://www.baogiaothong.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-van-hanh-thu-the-nao-d488301.html

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử thế nào? tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước