Trước xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp cần nhận thức đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất, trong đó có dịch chuyển về Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất không chỉ cạnh tranh trong một sân chơi nhỏ nội địa, mà phải thích ứng trên sân chơi toàn cầu. Các doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có thể vào Việt Nam đầu tư, bình đẳng với doanh nghiệp Việt cả về thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Cùng với đó, trong bối cảnh CMCN 4.0, tôi cho rằng doanh nghiệp không ai có thể đứng ngoài sản xuất thông minh. Từ nhận thức trên, Tập đoàn Sơn Hà đã có nhiều sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Đơn cử như về sản xuất, chúng tôi cũng đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ mới, đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin về quản trị, sản xuất kinh doanh, phân phối… được xử lý trên nền tảng công nghệ thông tin nhanh nhất.
Được biết, Sơn Hà hiện là Tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu Việt Nam và châu Á, sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như sản phẩm dân dụng và công nghiệp; năng lượng tái tạo; hạ tầng công nghiệp và bất động sản, nội thất… với nhiều sản phẩm chất lượng cao. Vậy, việc công ty ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất kinh doanh đã có những hiệu quả như thế nào trong nâng cao NSCL sản phẩm?
Trước đây, Sơn Hà thường sản xuất theo kế hoạch tháng hoặc theo nhu cầu của đơn vị đại lý đặt trước đó. Thế nhưng, hiện nay chúng tôi thích ứng trên nền tảng áp dụng hệ thống ERP - khi có bất kì đơn đặt hàng từ một đại lý hoặc chi nhánh nào, có thể nhanh chóng đưa thông tin ngay đến đơn vị sản xuất, đơn vị vật tư, tài chính... liên quan đến loại hàng hóa đó.
Gần đây Sơn Hà cũng đang phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và nước sạch. Chúng tôi ứng dụng hệ thống điện mặt trời, sử dụng công nghệ hiện đại nhất của thế giới bây giờ. Nghĩa là một gia đình hoặc doanh nghiệp có thể lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời, kết nối thông minh qua mạng internet, đưa thông tin đến các app trên điện thoại cầm tay. Hàng ngày, hàng giờ, chúng ta có thể nắm bắt nhanh chóng lượng điện sản xuất ra bao nhiêu, tiêu thụ hết bao nhiêu và quy ra tiền phải trả là bao nhiêu…
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phát triển một nhà máy nước sạch được quản trị dưới nền tảng thông minh, cập nhật thông số từng phút, từng giờ. Thậm chí khi có sự cố hoặc vấn đề phát sinh, chúng tôi xử lý mọi việc, xử lý sự cố rất nhanh, chỉ 1 phút khi nhận được thông tin…
Theo đó, sản xuất thông minh giúp giảm thiểu tối đa thời gian logistics, thời gian chết, thời gian vận chuyển đưa hàng tới tay người tiêu dùng và giảm thời gian tồn kho (thậm chí không còn thời gian tồn kho), đáp ứng nhu cầu cho khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể cạnh tranh được trên thị trường ngày càng khốc liệt, đó cũng chính là thành quả trước mắt từ việc ứng dụng sản xuất thông minh.
Đặc biệt về năng suất, sản xuất thông minh giúp năng suất cao hơn. Theo đánh giá trong khu vực ASEAN hay bình diện toàn châu Á, năng suất lao động tại Việt Nam còn ở “vùng trũng”. Khi cạnh tranh một cách sòng phẳng thì bài toán năng suất cần phải được giải quyết. Và rõ ràng, đáp án của bài toán năng suất chính là thông minh hóa quá trình sản xuất, kinh doanh.
Trong bất kỳ mô hình nào, chúng ta đều có các tiêu chí, tiêu chuẩn để tạo khung cho quá trình thực hiện và đánh giá chất lượng sản phẩm. Ở Sơn Hà, doanh nghiệp đã coi vấn đề tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm như thế nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh?
Tiêu chuẩn cho sản phẩm là vô cùng quan trọng, bởi trong thị trường rất nhiều nhà cung ứng khi cạnh tranh với đối thủ, chúng ta không thể cạnh tranh về giá, mà phải cạnh tranh về chất lượng. Hiện nay, người tiêu dùng rất thông minh. Có hai phân khúc sản phẩm: Thứ nhất, sản phẩm chất lượng cao và giá cả cũng cao, thuộc hàng xa xỉ, cao cấp; Thứ hai, sản phẩm phục vụ cho đại đa số người tiêu dùng là sản phẩm tốt và giá cả cạnh tranh. Thị trường chắc chắn không chấp nhận sản phẩm giá rẻ, chất lượng tồi, kể cả có “rẻ như cho” thì cũng không phải là sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Thực tế chứng minh, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng giá rẻ hoặc nhập khẩu hàng Trung Quốc giá rẻ không thể tồn tại được, kể cả thị trường nông thôn chứ chưa nói đến thành thị. Dần dần sẽ định hình thị trường của tiêu chuẩn, chất lượng. Để có một sản phẩm chất lượng tốt, chúng ta phải tuân thủ các tiêu chuẩn có trong từng khâu (khâu đánh giá sản phẩm, QA, QC cho sản phẩm, lưu trữ kho…).
Đối với Sơn Hà, chúng tôi rất chú trọng tiêu chuẩn. Tôi khẳng định, thiếu tiêu chuẩn sẽ không thể có sản phẩm tốt. Bởi trong một hệ thống thông minh, thuận lợi đầu tiên là quản lý tiêu chuẩn dễ dàng, truy xuất nhanh chóng từng khâu, quy trách nhiệm từng bộ phận… Sản xuất thông minh đáp ứng rất nhanh quản lý chất lượng sản phẩm, hỏng tại đâu, xử lý ngay chỗ đó. Chúng ta không thể kiểm soát bằng con người, bằng mắt thường mọi khâu, mọi chỗ mà phải quản lý mọi thứ trên nền tảng thông minh. Và rõ ràng, sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu mà nhân loại hướng đến.
Xin cảm ơn ông!