Các doanh nghiệp biểu lộ sự vui mừng khi được phép hoạt động trở lại từ ngày 7/9, song việc triển khai hoạt động còn vô vàn thách thức.
Theo đó, quy định thực hiện “3 tại chỗ” đã khiến doanh nghiệp F&B cũng như lao động lâm vào bế tắc. Các nhà hàng hầu như không có chỗ nghỉ ngơi, không đảm bảo sức khỏe và điều kiện sinh hoạt cho nhân viên. Doanh nghiệp cũng phải chịu thêm áp lực chi phí xét nghiệm nhanh Covid-19 cho nhân viên. Một phần lớn nhân viên làm việc đã trở về tỉnh và chưa được tiêm vaccine cũng khó trở lại làm việc tại TP HCM.
Thời gian bán hàng cũng quá ngắn (6 giờ sáng đến 18 giờ) trong khi nhu cầu ăn uống đa số là vào buổi tối khiến doanh nghiệp không kịp thực hiện các đơn hàng tối của người dân.
Một nguyên nhân nữa khiến việc mở cửa khó thành hiện thực là thiếu nguyên vật liệu do một số hạn chế trong việc giao hàng liên tỉnh, liên quận của các nhà cung cấp.
Với những khó khăn trên, các doanh nghiệp kiến nghị với lãnh đạo TP. HCM có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho lao động và các doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ ăn uống, mô hình chuỗi cửa hàng, nhà hàng nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Doanh nghiệp đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho người đang hoạt động trong lĩnh vực ăn uống. Người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine có thể đi làm bình thường. Doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho nhân viên, đảm bảo tuân thủ 5K. Cho phép nhân sự của nhà hàng được giao hàng chứ không phụ thuộc vào tài xế công nghệ.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị hàng hóa không nằm trong mục cấm lưu thông thì được di chuyển bình thường, cho phép đơn vị vận tải cung ứng hàng hóa được giao hàng liên tỉnh, liên quận. Đồng thời các doanh nghiệp sản xuất (bao bì, tem nhãn,...) cũng nên được hoạt động bình thường để đảm bảo đủ nguồn nguyên vật liệu.
Ngoài ra, doanh nghiệp kiến nghị được cấp nguồn vay, hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội, các gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi,...
Theo khảo sát, một số doanh nghiệp F&B lớn đều đang cân nhắc mở lại trong thời gian ngắn. Theo các doanh nghiệp, vẫn cần nhiều thời gian để ngành dịch vụ ăn uống thực sự trở lại trong tình cảnh khó khăn hiện nay.