Nhiều dự án hạ tầng đang gặp khó vì vốn
Sáng 8/12, kỳ họp thứ 23 HĐND TP.HCM khoá IX bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Thay vì chất vấn lãnh đạo sở, ngành như thường lệ, các đại biểu HĐND TP.HCM sẽ tập trung chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác điều hành của UBND TP.HCM và việc thực hiện các cam kết sau các Chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố”.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có 4 lần trả lời chất vấn. Khi ghi nhận ý kiến cử tri, nội dung chất vấn lần này sẽ xoay quanh 4 nhóm vấn đề chính trong năm 2020.
Đó là việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt là những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó là giải pháp thực hiện mô hình chính quyền đô thị và hướng giải quyết cán bộ dôi dư; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; giải pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm.
Cử tri cũng đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu tại các quận, huyện trong việc để lấn chiếm lòng đường vỉa hè; các dự án giao thông chậm tiến độ…
Trả lời câu hỏi của cử tri, ông Phong cho hay Thành uỷ đã có chỉ thị 09, chỉ thị 11 liên quan đến chỉ đạo giải quyết những vấn đề về môi trường, trật tự an toàn giao thông…
“Tôi là Trưởng ban ATGT TP.HCM, có đánh giá nhắc nhở địa phương, phường, xã, quận, huyện phải hết sức quan tâm đến vấn đề lòng đường, vỉa hè. Thành phố cũng đã tổ chức xuống các địa phương xây dựng các tuyến đường mẫu. Những đơn vị nào làm tốt được khen, chưa tốt thì phải chịu phê bình. Nhưng tôi cho rằng việc này cần có thời gian để đạt được kết quả và để đạt được kết quả tốt cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có việc vận động tuyên truyền ý thức của người dân”, ông Phong nói.
Liên quan đến vấn đề giao thông hạ tầng, ông Phong cho hay, năm 2020 TP.HCM đã triển khai những dự án giao thông trọng điểm và đưa vào khai thác.
Cụ thể như: Mở đường Trần Não, cầu vượt ngã tư Gò Mây, mở rộng đường Phạm Văn Trị, nút giao thông ĐH Quốc gia… là các dự án đã hoàn thành giúp kéo giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng đã làm giảm tiến độ thi công và đội vốn.
Chủ tịch TP cho biết: Nguồn vốn cho giao thông hiện nay chủ yếu là đầu tư công, phải qua nhiều khâu, đều phải báo cáo với HĐND và phần lớn các dự án giao thông là thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, hiện những dự án theo hình thức BT đang phải tạm dừng và hiện không còn thực hiện được.
Sắp tới thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: Chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ dự án dở dang, đảm bảo chất lượng; yêu cầu các chủ đầu tư cam kết vấn đề giải phóng mặt bằng; tập trung đầu tư các dự án khép kín vành đai 2, 3; xây dựng các tuyến đường sắt metro số 1, số 2…; kết nối các cảng hàng hoá...
Liên quan đến dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, ông Phong thông tin tiến độ đã đạt 76%. Trong đó, bàn giao mặt bằng công viên Lam Sơn rút ngắn 137 ngày so với kế hoạch đặt ra. Thời gian qua, toàn thành phố có 16 công trình khánh thành như khởi công xây dựng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thành phố, xây mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng, khánh thành nút giao thông An Sương...
Rà soát hỗ trợ Covid-19 để "không ai bị bỏ lại phía sau"
Trước khi vào phần chất vấn, nhận định về tình hình kinh tế năm 2020, ông Phong cho biết, năm nay hầu hết quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo kinh tế thế giới nhiều nước như Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn đều tăng trưởng âm. Do đó, kinh tế TP.HCM 2020 dự kiến tăng 1,39% là dấu hiệu tích cực.
Về hỗ trợ người dân, thành phố tiếp tục rà soát, hỗ trợ để "không ai bị bỏ lại phía sau", nhất là đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ, 2 đợt vừa qua thành phố đã hỗ trợ hơn 20.000 người bán vé số.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, vừa qua, thành phố đã thành lập nhiều hội đồng phát triển kinh tế và những hội đồng này sẽ bao gồm 3 bên là Nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố gặp đại diện doanh nghiệp ở tất cả lĩnh vực để lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc, định hướng phát triển của ngành đó.