Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Bình Dương: Bất thường về tốc độ tách thửa nhanh như...sự lây lan của Covid-19

Mai Hương(T/H) 10:15 14/06/2020

Đáng kinh ngạc, chỉ từ ngày 29/4/2010 - 20/5/2011, vợ chồng bà Hường, ông Đức và hai con Phạm Trọng Khiêm, Phạm Đức Huy đã được ký trái quy định...1.059 sổ đỏ.

Phân lô tách thửa trái quy định hơn...1.000 ô đất trái phép trong 30 ngày

Phân lô, bán nền là quyền lợi chính đáng, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân, và đây cũng là chính sách đúng đắn, đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận từ lâu. Thế nhưng ở nhiều địa phương, câu chuyện thực hiện trái quy định của pháp luật về phân lô, bán nền, dẫn tới sự lệch lạc đối với thị trường bất động sản đã trở thành vấn đề khiến dư luận bức xúc.

Gần đây nhất, phải kể đến câu chuyện "đình đám" tại Bình Dương, khi một cá nhân được phân lô tách thửa hơn...1.000 ô đất trái phép trong thời gian thần tốc.

Khu vực được phân lô, tách thửa trái quy định.

Cụ thể, tại 9 khu đất nông nghiệp, đất quy hoạch công viên cây xanh có tổng diện tích 101.353m2, phát hiện bà Phạm Thị Hường (ngụ Thuận An) cùng chồng Phạm Hữu Đức và hai con Phạm Trọng Khiêm, Phạm Đức Huy đã chia tách trái phép thành 1059 lô đất ở, sang nhượng cho nhiều người. Có ngày, gia đình này được cơ quan chức năng ký hơn 100 sổ đỏ.

Bà Phạm Thị Hường là người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH TMDV Bất động sản Phú Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam. Qua kiểm tra, phát hiện 9 khu đất nông nghiệp tổng diện tích 101.353m2 do bà Hường làm chủ đầu tư, đã phân lô bán nền trái phép.

Chiêu thức vợ chồng bà Hường và hai con thực hiện là làm thủ tục phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thành nhiều khu có diện tích dưới 2.000m2. Sau khi tách thành nhiều khu “nhỡ nhỡ”, bà Hường và chồng là ông Phạm Hữu Đức tiếp tục tặng cho các con và phân chia tài sản tiếp, để tách thành nhiều thửa nhỏ từ 42,3m2 - 136,2m2.

Đáng kinh ngạc, chỉ từ ngày 29/4/2010 - 20/5/2011, bằng phương thức này lặp đi lặp lại, vợ chồng bà Hường, ông Đức và hai con Phạm Trọng Khiêm, Phạm Đức Huy đã được cấp... 1.059 sổ đỏ.

Số sổ đỏ này được tập trung ký trong khoảng hơn 30 ngày. Có ngày 17/1/2011, ông Đặng Văn Ba (Phó Chủ tịch Thuận An) ký đến 107 sổ đỏ cho riêng gia đình này.

Quay lại câu chuyện 9 khu đất nông nghiệp tổng diện tích 101.353m2 do bà Hường làm chủ đầu tư, đã bị phát hiện phân lô bán nền trái phép. Cụ thể, 2 khu tại phường Bình Chuẩn, diện tích 2,5ha; 6 khu ở phường An Phú (7,1ha); 1 khu ở phường Lái Thiêu (0,424ha).

Có 2 khu ở phường An Phú đã được quy hoạch là đất công viên, cây xanh cách ly theo Quyết định 1071/QĐ-UBND ngày 12/4/2010 của tỉnh, không được phép tách thửa, phân lô bán nền, nhưng cũng bị “xẻ thịt”.

Với 7 khu đất nông nghiệp, thời điểm đó, Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 chưa có hiệu lực, nên chưa có những quy định chặt chẽ như muốn làm dự án nhà ở phải có đất thổ cư; nếu là đất khác như nông nghiệp thì phải đấu giá, đấu thầu.

Theo quy định thời điểm đó, muốn tách thửa, theo Quyết định 49/2009/QĐ-UBND của tỉnh Bình Dương về diện tích tối thiểu các loại đất được phép tách thửa, có hai trường hợp xảy ra.

Thứ nhất, nếu khu đất diện tích lớn hơn 2.000m2, phải lập dự án. Thứ hai, nếu khu đất diện tích 2.000m2 trở xuống, lập thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sang đất ở.

Và muốn phân lô làm nhà ở phải có phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật trong khu vực. Khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xong và được UBND cấp huyện phê duyệt mới được phép tách thửa.

Thế nhưng, không lập dự án, không đầu tư cơ sở hạ tầng, không cần chính quyền phê duyệt, hơn 10ha đất nông nghiệp và công viên vẫn được tách thửa trái phép, “miễn phí”, để hàng ngàn căn nhà mọc lên.

Liên quan trách nhiệm hàng loạt tổ chức, cá nhân

Dù tỉnh đã có kết luận kiểm tra từ 2014, chuyển CQĐT; đã được kiến nghị báo cáo kết quả giải quyết về Trung ương; nhưng không hiểu vì lý do gì, sự việc vẫn “chìm xuồng”.

Trong vụ việc sai phạm trên, gia đình bà Hường đã hàng ngàn lần được tách thửa “miễn phí”. Hành vi làm trái quy định đã giúp bà Hường hưởng lợi hơn 41 tỷ đồng chuyển mục đích sử dụng đất. Bà Hường còn được hưởng một khoản lợi nữa là không phải bỏ ra tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các “dự án” theo Thông tư 02/2010/TT-BXD.

Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra nhiều vi phạm khác trong quá trình tách thửa những khu đất nông nghiệp trên.

Tại hai khu 5 và 6 phường An Phú (thời điểm tách mới là xã), đất nông nghiệp ở xã phải đảm bảo diện tích tối thiểu 400m2 sau khi tách, nhưng có khi chỉ được tách ra thành những thửa chỉ... 40m2.

Với phường An Phú, Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường và cán bộ địa chính thậm chí còn xác nhận trái phép cho tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất với một số trường hợp; cố ý vi phạm quy định về đất đai.

Về Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận An Đặng Văn Ba, là người chịu trách nhiệm chính, cố ý vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất. Khi sai phạm xảy ra, cấp dưới đã báo cáo xin ý kiến nhiều lần nhưng ông Ba không báo cáo UBND Thuận An biết, mà vẫn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm sai trái, làm thất thu ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Về Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Trần Đinh Minh Phước, bị xác định cố ý tham mưu cho UBND Thuận An vi phạm quy định đất đai. Với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Thuận An, Giám đốc Văn phòng Phạm Thị Thu Yến và 3 cán bộ cũng bị xác định cố ý tham mưu sai cho cấp trên.

Về phía VKSND Bình Dương, quá trình kiểm sát đã nhiều lần yêu cầu xác minh, kiểm sát hồ sơ trong năm 2015, sau đó gặp khó do hết thời hạn giải quyết theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP- BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC “về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương từng nhận được kiến nghị “chỉ đạo Công an phối hợp VKSND tỉnh khẩn trương xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý đúng quy định, nếu đủ căn cứ thì khởi tố hình sự, không để kéo dài việc giải quyết. Báo cáo kết quả giải quyết về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (qua Ban Nội chính Trung ương)”.

Sau sai phạm động trời, một số cán bộ vi phạm như Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thuận An Trần Đình Minh Phước sau này vẫn thăng tiến, giữ chức Phó Chủ tịch HĐND huyện Thuận An; Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận An Đặng Văn Ba “hạ cánh an toàn” bằng cách nghỉ hưu...

Điều gì khiến bà Phạm Thị Hường thoát tội ngoại mục?

Với vợ chồng bà Hường là đối tượng trực tiếp vi phạm, nếu sự việc này được xử lý, thì ngoài trách nhiệm hành chính hình sự, nỗi lo lớn nhất là sẽ mãi mãi chấm dứt sự nghiệp kinh doanh bất động sản. Điểm c khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013 quy định với những doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về đất đai, sẽ bị đưa vào “sổ đen”, không được giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

“Sổ đỏ” chất đống trong nhà bà Hường.

Thế nhưng, bà Hường đã thoát tội ngoạn mục. Thời điểm này, theo Quyết định phân công công việc của UBND Bình Dương số 1322/QĐ-UBND ngày 9/6/2014, Phó Chủ tịch tỉnh Trần Văn Nam làm nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực, theo dõi chỉ đạo các lĩnh vực tài nguyên và môi trường; xây dựng, quy hoạch, quản lý đô thị; quản lý công tác khối thu ngân sách... theo dõi và chỉ đạo các đơn vị Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Cục Thuế...

Sau này, cả trong những đợt tỉnh Bình Dương giám sát công tác quản lý đất đai, vụ việc động trời trên cũng không được nhắc tới một chữ.

Thậm chí những khu đất hình thành từ việc “xẻ thịt” đất quy hoạch công viên, đã được Bình Dương ra quyết định hợp thức hóa (như Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh V tại phường An Phú, diện tích 1,33ha (99 lô); giao đất và cho chuyển mục đích thành đất ở đô thị ngày 6/7/2017 theo Quyết định số 1784/ QĐ-UBND).

Phân tích về những bất thường, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, chính sách và quy định pháp luật đã đầy đủ và nghiêm minh; tuy nhiên, việc thực thi pháp luật của chính quyền, doanh nghiệp và người dân chưa nghiêm.

Trong một “mảnh đất màu mỡ” như phân lô, bán nền, nếu như có sự tiếp tay và “che chở” của cán bộ Nhà nước, nguồn lợi nhuận khổng lồ sẽ được thu vào túi doanh nghiệp, ngân sách sẽ bị thất thoát lớn. Nếu như đã có kết luận thanh tra, cần xử lý nghiêm, thậm chí có dấu hiệu vi phạm hình sự, cần chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo đúng quy định.

Theo ghi nhận đến thời điểm hiện tại, các khu đất sai phạm đều đã trở thành những khu nhà ở thương mại, xây các khu phố san sát nhà liền kề, nhà phân lô...

Không chỉ thoát tội ngoạn mục, bà Phạm Thị Hường không rõ có cán bộ nào “chống lưng”, mà từ đó đến nay tiếp tục có những sai phạm quy mô hơn, nghiêm trọng hơn, khiến ngân sách thất thoát nhiều hơn... khi có năm, trung bình cứ 1,5 tháng lại được giao làm chủ đầu tư một dự án “xẻ thịt” đất nhà máy xí nghiệp ở Bình Dương.

Tổng số đất Bình Dương giao cho bà Hường phân lô bán nền tới nay đã trên nửa triệu mét vuông.

Ngày 6/12/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất đảm bảo khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường; giá đất được tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế, trong đó có lợi thế về vị trí địa lý, lợi thế do quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư kết cấu hạ tầng. Khắc phục bất cập về cơ chế và phương pháp xác định giá đất cụ thể, bảo đảm phù hợp với giá thị trường, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.

Đối với trường hợp giao đất không qua đấu giá, đấu thầu, Nhà nước thất thu bao nhiêu?

Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cần vào cuộc làm rõ để báo cáo Chính phủ và Quốc hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 82/2019/QH14.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/binh-duong-bat-thuong-ve-toc-do-tach-thua-nhanh-nhusu-lay-lan-cua-covid-19-d77637.html

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Bất thường về tốc độ tách thửa nhanh như...sự lây lan của Covid-19 tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước