Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Đề xuất 7 loại giấy tờ để F0 điều trị tại nhà được hưởng BHXH

vietq 10:56 11/03/2022

Đến 1.3, cả nước có khoảng 920.000 F0 điều trị tại nhà và có nhu cầu cấp giấy chứng nhận (GCN) mắc Covid-19 để hưởng chế độ, trong đó có chế độ nghỉ hưởng BHXH

Bộ Y tế vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng về giải quyết các vướng mắc chi trả chế độ nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh mắc COVID-19, đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ để F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ này.

F0 xếp hàng chờ test tại P. Mai Động (Hà Nội) để được... công nhận là F0. Ảnh: Bảo Phạm

Gần 1 triệu F0 điều trị tại nhà

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.582.058 ca mắc COVID-19, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 46.385 ca nhiễm).

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, tính đến 1/3/2022, cả nước có khoảng 920.000 F0 điều trị tại nhà và có nhu cầu cấp giấy chứng nhận mắc COVID-19 để hưởng chế độ, trong đó có chế độ nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội. Tại một số địa phương, nhiều người lao động mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà đang gặp khó khăn khi xin GCN nghỉ việc hưởng BHXH để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau, do thủ tục rườm rà, tốn thời gian.

Theo quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện. Người lao động khi bị COVID-19 đa số chỉ được cấp Giấy xác nhận hoàn thành cách ly hoặc hoàn thành điều trị COVID-19 tại nhà do chính quyền địa phương cấp hoặc Trạm y tế cấp xã cấp. Người lao động không thể sử dụng Giấy xác nhận này để tiến hành các thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội, vì vậy các trường hợp bị F0 chưa được thanh toán chế độ ốm đau chủ yếu là các trường hợp mắc COVID-19 cách ly điều trị tại nhà.

Nhiều người tự test Covid-19 dương tính tới xin quyết định cách ly, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Ảnh: Phạm Chiểu

Cần cắt giảm bớt thủ tục hành chính

Theo Bộ Y tế, hiện nay, do số lượng người dân mắc COVID-19 có nhu cầu đến Trạm y tế xin giấy chứng nhận mắc COVID-19 rất lớn dẫn đến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải, các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu.

Ở một số nơi, đặc biệt là ở những tỉnh, thành phố đang có số ca mắc cao như: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, các F0 điều trị tại nhà phải xếp hàng, tốn nhiều thời gian để được cấp giấy này.

Đơn cử như tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 6/3, thành phố có 682.683 bệnh nhân hiện đang điều trị, trong đó có 675.810 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm gần 99%); có 979 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã.

Tại Hà Nội, nhiều người đang là F0 nhưng vẫn tự mình đến Trạm y tế để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, do đó nguy cơ gây lây lan bệnh dịch bệnh. Đây là vấn đề đã được nhiều địa phương phản ánh đến Bộ Y tế đề nghị cần có hướng dẫn để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động mắc COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số lượng người lao động mắc và nhu cầu cần được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội ngày tăng cao, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biễn phức tạp ở nhiều địa phương đồng thời cũng phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Pháp luật, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị có liên quan đang khẩn trương nghiên cứu, rà soát nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế hướng dẫn để đưa vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

Trước mắt, các cơ quan chức năng ưu tiên sửa đổi, bổ sung các nội dung để giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động bị mắc COVID-19 và các vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

Bộ Y tế đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ

Theo quy định tại Điều 100, Luật Bảo hiểm xã hội, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc COVID-19 có hai giấy tờ: Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú; trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội .

Thực tế F0 điều trị tại nhà, không thể đến cơ sở khám, chữa bệnh để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội và Thông tư 56/2017/TT-BYT. Những người mắc COVID-19 điều trị tại nhà chỉ có các giấy tờ sau:

1. Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp

2. Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp

3. Giấy xét nghiệm (Test nhanh hoặc PCR ) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp.

4. Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động, Tổ COVID cộng đồng; y tế cơ quan/doanh nghiệp.

5. Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị COVID-19 tại nhà.

6. Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung

7. Phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến

Tại tờ trình, Bộ Y tế cho biết đối chiếu với quy định của các văn bản Luật thì 7 loại giấy tờ nêu trên chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các Văn bản luật có liên quan khác. Vì vậy, Bộ Y tế chưa có cơ sở pháp lý để đưa vào hướng dẫn trong Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

Ðể giải quyết những vướng mắc trên, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, giảm thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hai nội dung, cụ thể: Cho phép Bộ Y tế áp dụng quy định tại Điều 146 Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật đối với Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT theo trình tự thủ tục rút gọn.

Luật bảo hiểm xã hội quy định, người lao động bị ốm đau mà phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì được chi trả trợ cấp ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ.

Thời gian hưởng chế độ ốm đau với lao động làm việc trong điều kiện bình thường là 30 ngày nếu đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đóng đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đóng đủ 30 năm. Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì số ngày nghỉ được tính lần lượt là 40 ngày, 50 ngày và 70 ngày, tương ứng với số năm đóng BHXH như trên.

Người lao động còn được nhận thêm tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19 trong hai trường hợp: Sức khỏe chưa hồi phục trong vòng 30 ngày sau khi điều trị Covid-19 thì được nghỉ thêm 5 - 10 ngày. Mức tiền được hưởng mỗi ngày bằng 30% lương cơ sở, tương đương 447.000 đồng/ngày.

Link gốc : https://vietq.vn/de-xuat-7-loai-giay-to-de-f0-dieu-tri-tai-nha-duoc-huong-bhxh-d197979.html

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất 7 loại giấy tờ để F0 điều trị tại nhà được hưởng BHXH tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước