Ngày 5/3, UBND Tp.Thủ Đức tổ chức tọa đàm Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung Tp.Thủ Đức với sự tham dự của các ban, ngành địa phương và hơn 300 đại diện doanh nghiệp.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND Tp.Thủ Đức cho biết: “Kể từ khi thành lập, Tp.Thủ Đức vừa kiện toàn bộ máy, vừa triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội” trong thời gian qua”.
Năm 2021, Thành phố này đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, đặc biệt, thành phố đã đảm bảo an sinh xã hội, kiểm soát dịch bệnh, khống chế kịp thời, là một trong những địa phương được công nhận vùng xanh đầu tiên.
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia lẫn phía doanh nghiệp góp ý việc điều chỉnh quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn Tp. Thủ Đức.
Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) chỉ ra, hiện nay, Tp.Thủ Đức đã và đang được phê duyệt rất nhiều tuyến đường kết nối với trung tâm Tp.HCM cũng như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương như: Vành đai 2, Vành Đai 3, cầu Cát Lái, tuyến Metro số 1…
"Bởi lẽ, hạ tầng giao thông phát triển sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn, những “con sếu đầu đàn” đầu tư vào Tp.Thủ Đức với năng lực đóng góp lớn cho kinh tế xã hội địa phương”, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn quan tâm đến việc kết nối giao thông Tp.Thủ Đức và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Theo ông Nam, cần xem xét phát triển các tuyến giao thông kết nối khu cảng Cát Lái đến tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai vì lượng hàng đi qua đây rất lớn.
"Bên cạnh đó, cần phát triển các tuyến đường để giảm tải cho Xa lộ Hà Nội, bởi cứ kẹt xe như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tầm của một thành phố sáng tạo. Cũng cần nghiên cứu quy hoạch phát triển các khu đậu, chờ cho tàu thuyền trả, lấy hàng hóa, hiện nay neo đậu rất manh mún”, ông Nam nêu ý kiến.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Western Pacific cho rằng, khu vực cảng Cát Lái và các vùng lân cận có đủ điều kiện để hình thành và phát triển thành một trung tâm logistics tầm cỡ quốc gia.
“Cần phải phát triển giao thông theo hướng kết nối đa phương thức bao gồm: đường bộ, đường sông, đường hàng không. Tôi đề xuất Tp.Thủ Đức nên dành quỹ đất để cho các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực này thực hiện nhiệm vụ trên”, bà Huệ nói.
Còn ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc Công ty Encity cho biết, qua khảo sát 170 doanh nghiệp thì có 40 các doanh nghiệp mong muốn được tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Tp.Thủ Đức.
Việc quy hoạch Tp.Thủ Đức về quỹ đất phải tạo ra cơ hội đầu tư mới, quy hoạch quỹ đất linh hoạt, cho phép nhiều chức năng trong các loại hình đất. Gia tăng dân số dọc theo các tuyến giao thông công cộng và các tuyến có hạ tầng tốt.
Còn ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Tp.HCM góp ý, quy hoạch đô thị sáng tạo phải đảm bảo điều kiện sống, học tập, làm việc phải diễn ra trong một không gian chung để phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo.
“Đồ án quy hoạch của Tp.Thủ Đức phải được lập theo một hướng tiếp cận mới, đảm bảo tính linh hoạt. Quy hoạch hiện tại rất cứng nhắc: ví như chỉ lập những phân khu sản xuất riêng, ăn uống riêng… không lồng ghép vào nhau được. Tôi đề nghị phải tiếp cận theo hướng khác, thực tế hơn, phải lồng ghép các dịch vụ, chức năng vào nhau”, ông Thi đề nghị.
Lãnh đạo Tp.Thủ Đức khẳng định, đô thị đặc biệt này sẽ tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực như: khoa học và công nghệ; công nghệ tài chính; y tế và chăm sóc sức khỏe; công nghệ sinh học và công nghệ sinh thái; giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao và hợp tác phát triển trong phạm vi vùng và cả nước.
Các chiến lược đưa ra nhằm hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước đó, ngày 16/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1538/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung Tp.Thủ Đức thuộc Tp.HCM đến năm 2040.
Mục tiêu của quy hoạch là đề xuất định hướng phát triển phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian của Tp.HCM và vùng Tp.HCM; đáp ứng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ, tài chính quan trọng của Tp.HCM và quốc gia.
Theo Quyết định của Thủ tướng, quan điểm của quy hoạch Tp.Thủ Đức là phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch các ngành quốc gia, quy hoạch chung Tp.HCM và quy hoạch Tp.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tính đến tháng 2/2022, Tp. Thủ Đức với tổng diện tích 211,56 km2 có quy mô dân số 1.013.795 người, gồm 34 phường.
Đô thị này có vị trí nằm về phía Đông của Tp.HCM, một vị trí quan trọng trong vùng tam giác Tp.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng - Quốc lộ 1K, Quốc lộ 52, Quốc lộ 13, đường Vành đai 2,…