Trong phiên giao dịch ngày thứ 2, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã mất gần 3.000 điểm, S&P 500 cũng giảm 12%. Dù một ngày trước đó, Cục Dự trữ Liên bang đã hạ lãi suất nhưng hành động này vẫn chưa mang lại tâm lý tốt cho nhà đầu tư.
Đại dịch không chỉ làm ảnh hưởng đến các ngành đầu tư tài chính, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, hàng không dân dụng, du lịch, năng lượng, giao thông vận tải… mà còn ảnh hưởng rất lớn đến giới công nghệ quốc tế vì nó làm xáo trộn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Hãng nghiên cứu Dun & Bradstreet (Mỹ) ước tính dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến hơn 5 triệu doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn thế giới. Tờ báo tài chính Mỹ Business Insider đưa tin, chỉ trong 5 ngày cuối tháng 2.2020, giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán thế giới liên tục sụt giảm và làm cho 6.000 tỉ USD bốc hơi chỉ trong vài ngày ngắn ngủi này.
Theo CNN, công nghệ là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất với thu nhập 5.700 tỉ USD, tạo ra 319 triệu việc làm, trên thế giới cứ 10 người có việc làm thì 1 người là làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng, các đại gia công nghệ lại là những người “dính” đòn nặng nhất vì dịch virus Corona chủng mới trong đợt cổ phiếu rớt giá vừa qua. Chỉ trong vòng 24 giờ ngắn ngủi, các đại gia công nghệ Mỹ như Apple, Facebook, Google, Microsoft và Amazon đã mất số tiền khổng lồ 225 tỉ USD. Trong đó, nặng nhất là Apple “bay” 62 tỉ USD, kế đến là Microsoft mất 60 tỉ USD, Amazon và Alphabet (công ty mẹ của Google) mỗi hãng bị “bốc hơi” 40 tỉ USD, “nhẹ” nhất là Facebook, mất 25 tỉ USD.
Mua cổ phiếu, phúc lợi, tăng lương nhân sự
Theo một báo cáo hồi tháng 6 của Moody's, tính tới tháng 12, các công ty phi tài chính tại Mỹ đang nắm giữ khối tiền mặt 1.700 tỷ USD, giảm hơn 15% so với mức kỷ lục gần 2.000 tỷ USD một năm trước.
"Chúng tôi dự báo tiền mặt của các công ty sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt là khi nhiều công ty đang giữ khối tiền mặt lớn trả bớt các khoản nợ tới hạn và chi trả nhiều hơn (cổ tức, mua lại cổ phiếu) cho cổ đông", Richard Lane, phó chủ tịch cấp cao của Moody's, cho biết trong báo cáo.
Những thay đổi trong chính sách thuế doanh nghiệp tại Mỹ vào năm 2017 đã giúp lợi nhuận của các công ty tăng mạnh khi thuế suất được giảm xuống còn 15,5% so với mức 35% trước đó. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nhiều công ty lớn bắt đầu chi trả nhiều hơn cho các cổ đông. Tuy nhiên, không ít công ty cũng đang tận dụng lãi suất thấp để vay tiền nhiều hơn và dùng tiền này để trả cổ tức, mua lại cổ phiếu.
5 hãng công nghệ khổng lồ gồm Apple, Alphabet (công ty mẹ Google), Microsoft, Amazon và Facebook đang sở hữu tổng cộng khoảng 500 tỷ USD tiền mặt. Trong đó, riêng Apple có 206 tỷ USD. Dù vậy, con số này đã giảm so với năm ngoái và giới chuyên gia kỳ vọng các công ty sẽ chi nhiều tiền hơn cho cổ đông.
Trong quý gần đây nhất, Apple đã chi hơn 18 tỷ USD mua lại cổ phiếu. Động thái này giúp giảm số cổ phiếu lưu thông, tăng lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS). Đại gia công nghệ này cũng chi 3,5 tỷ USD trả cổ tức cho cổ đông trong quý trước.
Bên cạnh đó, một số công ty cũng dùng tiền mặt cho các dự án phúc lợi. Mới đây, Apple công bố kế hoạch chi 2,5 tỷ USD để giúp giải quyết tình trạng khủng hoảng nhà ở tại khu vực Vịnh San Francisco và phần còn lại của bang California. Google và Facebook cũng cam kết sẽ góp phần giải quyết vấn đề này.
Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn do lãi suất đang ở mức thấp sau 3 lần giảm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) từ đầu năm.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học và nhà phê bình đang chờ đợi các công ty lớn sử dụng khối tiền mặt của mình để trả lương cao, thưởng cao hơn và gia tăng phúc lợi cho nhân viên. Hiện tại, một số hãng bán lẻ và nhà hàng đã bắt đầu tăng lương cho nhân viên, thậm chí cao hơn mức lương theo giờ tối thiểu theo quy định tại nhiều bang và thành phố.
Theo Mona Mahajan, nhà chiến lược đầu tư tại Allianz Global Investors, các hãng công nghệ và công ty dịch vụ có thể sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng khối tiền mặt để trả lương cao hơn cho những nhân viên có tay nghề cao, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục khó khăn như hiện nay. Các công ty sẽ phải trả nhiều hơn để thu hút và giữ chân nhân tài, Mahajan dự báo.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ