Ngày 17/12, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số (EU) 2021/2246, ban hành ngày 15/12/2021, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Theo đó, đối với Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm , quả và thực phẩm như sau: Rau mùi 50%; Húng quế 50%; Bạc hà 50%; Rau mùi tây 50%; Đậu bắp 50%; Hạt tiêu 50%; Thanh long 20%; Mì ăn liền 20%.
Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo. Như vậy, dự kiến kể từ ngày 6/1/ 2022, mì ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của ethylene oxide (tổng cộng của cả ethylene oxide và 2-chloro-ethanol, vì đều được đề cập là ethylene oxide).
Do mì ăn liền là sản phẩm tổng hợp, trong trường hợp sản phẩm có thêm trứng hoặc mỡ động vật, thì cần thêm chứng thư từ Cục Thú Y. Nếu thuần túy các sản phẩm từ thực vật thì cần liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để lấy chứng thư.
Thông tin liên quan kiểm soát dư lượng etylen oxide trong thực phẩm khi xuất khẩu, theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), tới thời điểm này, dữ liệu của RASFF cho thấy, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến etylen oxide. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).
Các sản phẩm có chứa etylen oxide bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao,…
Những sản phẩm này có thể có chuỗi cung ứng gồm nhiều nhánh nhỏ dành riêng cho các cấu phần khác nhau trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng. Việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.
Về mặt hàng rau quả, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, EU là thị trường xuất khẩu lớn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao.
Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.
Để khắc phục, Việt Nam cần đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất bài bản, đồng bộ từ khâu đầu tới khâu cuối, đặc biệt là nhấn mạnh vào khâu xử lý sau thu hoạch được coi là giải pháp trọng tâm.
Muốn đảm bảo sự phát triển bền vững ngành rau quả, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, mấu chốt là phải chủ động kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu, rau quả phải được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng.
Hiện sản xuất rau quả của Việt Nam áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap đã làm tương đối tốt ở khâu gieo trồng, sản xuất, song công tác xử lý sau thu hoạch chưa thật tốt. Vì vậy, khi đầu tư sản xuất theo chuỗi, việc tăng cường đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khâu xử lý sau thu hoạch là điều rất quan trọng để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu.