Bên lề Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) năm 2019, ngày 18/9/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đối tác phát triển tổ chức buổi Tọa đàm giữa Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội với các diễn giả quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban chủ trì Tọa đàm.
Tọa đàm là dịp để các diễn giả, học giả quốc tế có uy tín sẽ tham dự Diễn đàn VRDF với vai trò diễn giả trình bày diễn văn chính và người thảo luận tại các phiên sẽ chia sẻ các bài học thành công và thất bại của các quốc gia và hàm ý chính sách nhằm đóng góp cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã giới thiệu những nét cơ bản của dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới và đặt ra những vấn đề để trao đổi với các diễn giả.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Đồng thời cho biết, VRDF sẽ giúp các đại biểu, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp có hiểu biết toàn diện, sâu sắc hơn về bối cảnh quốc tế, các xu hướng lớn toàn cầu trong thời gian tới và động lực tăng trưởng mới của Việt Nam; các bước đi, giải pháp nhằm vượt qua các thách thức, nắm bắt thành công, các cơ hội phát triển và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới của đất nước. Khác với những diễn đàn trước, VRDF năm 2019 được tổ chức ở tầm cao hơn, không chỉ là Diễn đàn để Việt Nam học hỏi, lắng nghe, trao đổi các vấn đề của mình mà còn có thể trao đổi vấn đề của mình với các quốc gia khác.
Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới, đề xuất được những giải pháp, hành động cải cách và phát triển có tính khả thi cao. Đây là thời điểm rất quan trọng để Việt Nam lắng nghe và trao đổi sâu hơn với các diễn giả có uy tín và chuyên môn sâu chia sẻ bài học tốt cho Việt Nam để xây dựng dự thảo báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, phục vụ Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời, phục vụ cho việc hoạch định chính sách cho giai đoạn mới theo hướng phát triển nhanh hơn bền vững hơn dựa trên động lực mới trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Tuy nhiên, trước bối cảnh biến động phức tạp như hiện nay đã tác động đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn các học giả chia sẻ những vấn đề mới đặt ra trong bối cảnh hiện nay và những xu thế mới hình thành tác động đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đặt mục tiêu phải phát triển nhanh, bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần tập trung vào những vấn đề gì để xây dựng nền kinh tế thịnh vượng, Bộ trưởng nêu vấn đề. Đồng thời, Việt Nam đặt ra những định hướng, các giải pháp chủ yếu, tạo đột phá phát triển trong giai đoạn tới, đặc biệt dịp Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và Kỷ niệm 100 năm thành lập nước vào năm 2045.
Đây là hai dấu mốc được Việt Nam xác định để phấn đấu dựa trên những kết quả thực tế Việt Nam đạt được trong giai đoạn qua và trước những bối cảnh quốc tế cũng như dựa vào động lực mới có thể nhìn thấy trong giai đoạn tới. Theo đó, Việt Nam đưa ra mục tiêu hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, nước công nghiệp phát triển hiện đại vào năm 2045 và trở thành nước thu nhập trung bình cao.
Để hiện thực hóa mục tiêu giai đoạn này thì tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam phải đạt khoảng 7-7,5%/năm, đây là mục tiêu cao trong tình hình hiện nay. Nhưng nếu không đặt mục tiêu cao thì Việt Nam khó trở thành nước công nghiệp phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Để làm được việc đó, Việt Nam đang thực hiện ba đột phá chiến lược gồm: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam dự kiến bổ sung đột phá mới là thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Từ những nội dung nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các diễn giả tập trung trao đổi về các nội dung liên quan đến bối cảnh toàn cầu tác động đến Việt Nam như thế nào và xu hướng lớn của nền kinh tế toàn cầu giai đoạn 2021 - 2025 là gì, mang đến những cơ hội và thách thức gì cho Việt Nam.
Đồng thời trao đổi về mục tiêu phát triển của Việt Nam dựa trên thực trạng hiện nay và những kết quả đạt được cũng như những khát vọng vươn lên trở thành đất nước thịnh vượng trong thời gian tới. Bên cạnh đó là các vấn đề về thể chế kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền với Chính phủ kiến tạo; vấn đề nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khu công nghệ cao; vấn đề môi trường và phát triển bền vững; các yếu tố liên quan đến con người như bình đẳng xã hội, khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách phát triển. Làm thế nào để phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển các cực tăng trưởng nhưng cũng không bỏ rơi những vùng khó khăn... qua đó có cách nhìn nhận đúng đắn và khả thi nhất để xây dựng quá trình phát triển mới của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tham gia thảo luận tại Tọa đàm, các diễn giả cho rằng, Việt Nam là quốc gia có những bài học thành công, tham gia hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ và cần tiếp tục có những cải cách, phát huy những tiềm năng, lợi thế để đưa Việt Nam lên tầm phát triển mới và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh năng suất lao động, tập trung vào nguồn vốn con người, đổi mới giáo dục, trong đó tập trung vào các trường đại học giáo dục dạy nghề.
Theo đó, cần nâng cao kỹ năng cho sinh viên có khả năng sáng tạo, phản biện, thích ứng với thay đổi của thế giới. Việt Nam cần tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đây chính là xương sống của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung vào khu vực dịch vụ, kết nối sản xuất với dịch vụ một cách hợp lý. Cùng với đó, phải tạo được sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo; xu hướng mới của toàn cầu tác động đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam; vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long; phát triển hài hòa giữa các vùng miền,...
Kết luận Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến trao đổi thẳng thắn, chuyên sâu của các diễn giả về các vấn đề Việt Nam đang quan tâm, đặc biệt là các khuyến nghị hết sức cụ thể đối với Việt Nam.
Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong quá trình phát triển cũng như quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.
Theo Cổng thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư.