Không chỉ đặt ra tại Diễn đàn, mà tại buổi tọa đàm được tổ chức trước thềm VRDF 2019 với các diễn giả, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đặt một loạt câu hỏi. Rằng đâu là con đường mà Việt Nam phải đi, để vượt bẫy thu nhập trung bình và đi tới định vượng? Làm sao để tích hợp được bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vào phát triển kinh tế? Cải cách giáo dục của Việt Nam nên đặt trọng tâm là gì? Và rằng, xu hướng toàn cầu của giai đoạn 2021 - 2030 là gì, sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào? Liệu tới hai mốc quan trọng là năm 2030 và 2045, Việt Nam sẽ đạt trình độ phát triển như thế nào? Việt Nam nên chọn con đường trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hay công nghiệp phát triển?...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn |
Cũng không đợi Diễn đàn, trước đó, các đoàn công tác của Việt Nam đã tới Mỹ, tới Pháp, tới Estonia… để khảo sát, học hỏi kinh nghiệm từ chính sách, từ thực tiễn để vạch chiến lược phát triển cho Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới 2021-2030, cũng như con đường để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng vào các năm 2030 và 2045, mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc tới và một lần nữa nhấn mạnh tại VRDF.
Một tinh thần cầu thị hiếm có. Cũng bởi sự cầu thị đó, mặc dù các diễn giả, các chuyên gia kinh tế quốc tế đều chỉ ra rằng, câu trả lời đúng chỉ có thể có được từ chính Việt Nam vì không ai có thể hiểu điều kiện, tiềm năng, khát vọng của Việt Nam hơn chính người Việt Nam, song rất nhiều chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết đã được gửi tới Chính phủ cùng nhân dân Việt Nam, bao trùm nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực.
Không chỉ là làm sao tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng hiện đại và hội nhập, hay chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang đổi mới sáng tạo, mà cả vấn đề làm sao để giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu, khi trên thực tế, “nhân tai” còn gây hậu quả nhiều hơn cả những tác động của biến đổi khí hậu.
Cả vấn đề bộ máy tổ chức của Việt Nam còn phân mảnh, dẫn tới tình trạng các địa phương, thậm chí các cơ quan quản lý “giành” nguồn lực lẫn nhau. Nguồn lực hạn hẹp, lại bị “pha loãng” như thế, làm sao có hiệu quả?
Kể cả chuyện nên tập trung cho giáo dục đại học hay giáo dục phổ thông cũng được các chuyên gia chia sẻ. Chuyện dành nguồn lực cho khu vực tư nhân, chuyện làm sao liên kết khu vực công, khu vực tư và khu vực đầu tư nước ngoài. Chuyện làm sao để mọi người dân đều được hưởng lợi từ những thành quả phát triển kinh tế - xã hội… Một câu hỏi có thể có tới mười câu trả lời.
Điều quan trọng là từ những câu trả lời đó, Việt Nam phải tìm được câu trả lời đúng nhất cho mình. Có lẽ các chuyên gia có lý khi cho rằng, mọi câu chuyện thành công hay thất bại của quốc gia khác chỉ là bài học kinh nghiệm, quyết định đường đi như thế nào sẽ phụ thuộc vào chính Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp…
“Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thậm chí đã nhấn mạnh rằng: “Bẫy thu nhập trung bình đang là đe dọa trực tiếp đối với sự phát triển của Việt Nam”. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Những hạn chế, yếu kém không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, ước mơ mà phải hành động, phải vươn lên mạnh mẽ”.
Theo SKCĐ