Hà Nội, Thứ Hai Ngày 29/04/2024

Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập

DTVN 07:09 20/09/2019

Đây là chủ đề của phiên thảo luận thứ nhất tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đối tác phát triển tổ chức ngày 19/9/2019, tại Hà Nội.

Trình bày các vấn đề về cải cách thể chế và pháp quyền trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam, TS. David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings, Hoa Kỳ; Nguyên Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho rằng, về tổng thể, Việt Nam được nhận định là có mức độ pháp quyền tốt so với mức thu nhập và thu hút được nhiều FDI.

Môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện những năm qua, là ví dụ điển hình trong mở cửa thị trường sản xuất và xuất khẩu hàng hóa chế biến chế tạo. Tuy nhiên, đầu tư bằng nguồn lực trong nước còn thấp và khu vực tư nhân chủ yếu gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam bị tụt hậu trong việc tiếp cận tín dụng, đất đai, đầu vào nhập khẩu, do những yếu kém trong thực thi hợp đồng và giải quyết tình trạng phá sản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực hết mình vì môi trường đầu tư lành mạnh ở trong nước thu hút đầu tư nước ngoài

Nhiều nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và gặp nhiều khó khăn để phát triển. Do vậy, điều cần làm là xác định rõ các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và dành phần còn lại cho doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, mở cửa các lĩnh vực dịch vụ như tài chính và viễn thông sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận đầu vào tốt hơn.

Cùng với đó, Việt Nam có thể nghiên cứu kết quả phát triển toàn cầu để ứng dụng vào quá trình phát triển, tăng cường giá trị xuất khẩu. Ông David Dollar cũng chia sẻ về kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc tích hợp FDI với kinh tế tư nhân trong nước và đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc kết nối hai khu vực này để tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn.

Đặt ra một số vấn đề về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập ở Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện kinh tế thị trường có ý nghĩa quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa Việt Nam thoát khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, để bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Hội nghị TW 5 khóa XII cũng xác định làm rõ vai trò, chức năng của nhà nước và của thị trường.

Theo đó, Nhà nước đóng vai trò: định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thị trường đóng vai trò chủ yếu: trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực; là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện, có nhiều đặc điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập. Ban hành Hiến pháp năm 2013 và tập trung sửa đổi, hoàn thiện các luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, bảo vệ người tiêu dùng, đấu giá tài sản, giải quyết tranh chấp, phá sản, xử lý vi phạm...

Các yếu tố thị trường và các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ từng bước hình thành đồng bộ, vận hành cơ bản thông suốt và bước đầu có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Thể chế môi trường đầu tư kinh doanh đã được hoàn thiện và bước đầu tiệm cận với thông lệ quốc tế tốt. Thể chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã được hoàn thiện với quy định về vai trò của nhà nước được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường; đổi mới phương thức quản lý; cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp.

Việc tổ chức thi hành pháp luật từng bước được tăng cường, nhất là trong những năm gần đây. Các bộ, ngành, địa phương bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong công tác cải cách hành chính.

Tuy nhiên, so với thông lệ quốc tế, thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu tài sản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh còn hạn chế; hiệu quả giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm chưa cao.

Thị trường chưa là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Còn khoảng cách khá lớn về quản trị nhà nước tốt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế; tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình còn thấp.

Từ những vấn đề nêu trên, TS. Cao Viết Sinh đưa ra một số định hướng hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trước hết, phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và thực thi nghiêm túc để phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.

Hai là, làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cần ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học công nghệ để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sang tạo.

Việc tạo khung khổ pháp lý thích ứng với các nguyên tắc thị trường là yếu tố quan trọng nhất để hình thành và phát triển mạnh thị trường đất, quyền sử dụng đất một cách thực sự thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gắn với giải quyết việc làm và tăng thu nhập.

Đổi mới và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn; bãi bỏ các giới hạn, khống chế về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; nâng đến mức đáng kể hoặc xóa bỏ hạn điền sử dụng, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp.

Công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm minh bạch thông tin về thị trường đất, quyền sử dụng đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận mua bán theo thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh.

Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới.

Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động. Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Ba là, Nhà nước tiếp tục chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

Nhà nước thực hiện tốt chức năng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển (vốn, đất đai, khoáng sản, tài nguyên…) theo cơ chế thị trường. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Nhà nước coi trọng vai trò của thị trường, xây dựng thể chế phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tự do kinh doanh và phát triển.

Đồng thời, nhà nước chủ động kiểm soát, tác động vào thị trường để phát huy mặt tích cực và hạn chế tác động của những yếu tố không hoàn thiện, tiêu cực của thị trường. Cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.

Xây dựng nhanh nền hành chính kiến tạo phát triển dựa trên chế độ chức nghiệp thực tài, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn.

Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện từ chính phủ đến xã hội, doanh nghiệp để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Bốn là, tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích, cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ trước người dân và doanh nghiệp.

Tập trung đổi mới quản trị nhà nước theo hướng quản trị nhà nước tốt. Tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, thu gọn đầu mối theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nâng cao chất lượng, đổi mới công cụ quản lý nhà nước, đặc biệt hệ thống pháp luật hướng đến duy trì kỷ cương, trật tư xã hội, đảm bảo thượng tôn pháp luật, thiết lập và duy trì cạnh tranh thị trường công bằng, khắc phục khiếm khuyết của thị trường.

Đổi mới và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước; tách chức năng làm chính sách và chức năng thực thi chính sách. Đảm bảo nhất quán giữa luật pháp và thực thi luật pháp, nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân nhằm giảm rủi ro, tăng mức độ an toàn pháp lý; giảm chi phí tuân thủ, mở rộng cơ hội và khuyến khích sáng tạo kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế Theo chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Alwaleed Alatabani, Việt Nam có những nền tảng kinh tế khá vững chắc nên được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư. Nói đến tự do hóa tài chính không phải là vấn đề đóng hay mở thị trường, mà nói đến quá trình giảm kiểm soát pháp lý với dòng vốn ra vào một quốc gia, đặc biệt là thu hút dòng vốn vào phát triển các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ sản phẩm mới và Chính phủ Việt Nam cần đưa ra khung pháp lý đảm bảo cho hoạt động thị trường.

Ông Alatabani cho rằng, cần ưu tiên tự do hóa các dòng vốn ổn định hơn các dòng vốn đầu FDI trước đây, cùng với đó là củng cố thể chế cho dòng vốn này, ban hành những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp và chú trọng cải cách mạnh mẽ. Việt Nam là quốc gia thu hút được nhiều FDI, đặc biệt kể từ năm 2015 và vấn đề đặt ra là làm sao liên kết khu vực FDI với khu vực tư nhân trong nước, tăng khả năng tiếp cận tài chính cũng như mở cửa thị trường tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

Trước đây, Việt Nam thường phụ thuộc vào kênh ngân hàng để cung cấp vốn cho nền kinh tế còn bây giờ cần đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Cải cách thể chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách Chủ tịch Quỹ Rajawali, nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP Việt Nam và Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright tại thành phố Hồ Chí Minh Jonnathan Pincus đã đưa ra những vấn đề liên quan đến cải cách thể chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách. Theo ông Jonnathan Pincus, Chính phủ Việt Nam có khả năng huy động nguồn lực cao hơn hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác và đạt kết quả phát triển tốt hơn các quốc gia khác ở cùng mức thu nhập.

Mặc dù là nước thu nhập trung bình thấp nhưng chỉ số phát triển con người của Việt Nam năm 2018 đạt mức cao. Về vấn đề cải cách thể chế, ông Jonnathan Pincus cho rằng, không có “thiết kế” nào là quy chuẩn mà tất cả phải phụ thuộc vào cấu trúc lịch sử, xã hội, kinh tế của mỗi quốc gia để điều chỉnh thể chế một cách phù hợp.

Theo ông Jonnathan Pincus, trong quá trình cải cách đã khiến cho việc thực thi chính sách tại Việt Nam trở nên khó khăn.

Thứ nhất là vấn đề phân mảnh về quyền lực, các cơ quan nhà nước cùng muốn nắm giữ quyền lực trong các lĩnh vực chính sách. Thứ hai là thương mại hóa nhà nước, các cơ quan nhà nước có lợi ích vật chất trong việc quản lý, mua bán tài sản nhà nước. Thứ ba là tinh thần thực tài bị suy yếu, Chính phủ gặp nhiều thách thức trong việc tuyển dụng được những cán bộ trẻ tài năng, được đào tạo tốt và có tinh thần cống hiến cho xã hội do cạnh tranh thu hút nhân lực ngày càng gia tăng.

Từ những vấn đề nêu trên, ông Jonnathan Pincus đề xuất ba phương thức tăng cường hiệu quả các thể chế chính quyền. Thứ nhất là hợp lý hóa, bảo đảm tính tập trung trong công tác tổ chức, nhân sự.

Thứ hai là kỷ luật thị trường, cần minh bạch hơn trên thị trường đất đai và tín dụng; tách biệt rõ ràng giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp được cổ phần hóa với cơ quan quản lý; giám sát chặt chẽ hơn và thực thi nghiêm các quy định về hạn chế rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Thứ ba là thực thi trách nhiệm giải trình với người dân, áp dụng Chính phủ điện tử và truyền thông xã hội để tăng cường minh bạch và sự tham gia của người dân trong việc ra quyết định về các chính sách.

Tại Phiên này, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc hoàn thiện và thực thi hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hàm ý chính sách cho Việt Nam; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập ở Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về tự do hóa thị trường nhân tố sản xuất và hàm ý chính sách đối với Việt Nam; Một số vấn đề đặt ra về hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam; Cải cách thể chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách công ở Việt Nam: Ưu tiên và hành động./.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/huong-toi-the-che-kinh-te-thi-truong-hien-dai-hoi-nhap-d61925.html

Bạn đang đọc bài viết Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành