Sau hơn 1 năm hoạt động dưới sự điều hành của Ủy ban Vốn, ngày 14/2/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 1128/VPCP-CN gửi Bộ GTVT và Ủy ban Vốn cho biết: “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được một số ý kiến của chuyên gia và Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển Tổng công ty ĐSVN từ Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.
Trước đó, Tổng công ty ĐSVN cùng và 4 doanh nghiệp giao thông khác đã rời Bộ GTVT về Ủy ban Vốn theo tinh thần của Nghị định 131/2018/NĐ-CP về việc ra đời và đi vào hoạt động của Ủy ban này, hồi cuối cuối năm 2018.
Đây là doanh nghiệp có nhiều nét đặc thù khi vừa tiến hành các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường sắt vừa được giao quản lý, khai thác sử dụng vốn, tài sản thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia trên cơ sở được Nhà nước giao dự toán chi ngân sách nhà nước.
Trong quá trình thực hiện Luật Đường sắt và việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi không tiếp tục được giao dự toán thu chi NSNN để thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; cơ chế giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt chưa rõ ràng; không được tiếp tục giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt sử dụng vốn đầu tư công…
Việc chuyển cơ quan chủ quản, ĐSVN cũng mất quyền làm chủ đầu tư các dự án liên quan gói 7.000 đồng gia cố cầu, đường sắt trên tuyến Bắc - Nam theo tinh thần Nghị quyết 556/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù quá trình chuẩn bị dự án này trước đó đều do “một tay” ĐSVN thực hiện.
Một năm sau ngày “chuyển nhà” mới, những khó khăn và tồn tại của ngành này vẫn chưa được tháo gỡ.
Được biết, theo chỉ đạo trước đó của Bộ GTVT, Tổng công ty ĐSVN sẽ quản lý, điều hành 2 dự án liên quan đến tăng cường kết cấu đường, gia cố hầm, mở mới ga đoạn Vinh - Nha Trang. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP, Tổng công ty ĐSVN phải chuyển từ Bộ GTVT về Ủy ban này nên các phần việc liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trên của “Tổng” này được chuyển giao sang PMU85 (Bộ GTVT)…
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ