Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Sở Y tế TP.HCM: Tác nhân gây bệnh Covid-19 có ở khắp thành phố

NGƯỜI ĐƯA TIN 11:42 06/07/2021

Sở Y tế TP.HCM nhận định, tác nhân gây dịch bệnh Covid-19 đã có ở khắp thành phố và số ca bệnh trong vùng phong tỏa ngày càng tăng nhanh.

Ngày 5/7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chính phủ tổ chức cuộc họp với bộ Y tế và TP.HCM về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố này.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo sở Y tế TP.HCM cho biết, tính từ 26/4 đến hết 4/7, TP.HCM ghi nhận 6.470 ca bệnh tại 306/312 phường xã thị trấn; trong đó 52% số ca bệnh phát hiện trong các khu cách ly, 25% phát hiện trong các khu phong tỏa, 12% phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện, 23% phát hiện tại cộng đồng.

Sự kiện - Sở Y tế TP.HCM: Tác nhân gây bệnh Covid-19 có ở khắp thành phố
Sở Y tế TP.HCM cho rằng, cần điều tra dịch tễ, truy vết nhanh các trường hợp F0, chuyển cách ly tập trung F1 thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên và mẫu đơn RT-PCR.
Qua khám sàng lọc tại bệnh viện, xét nghiệm giám sát tại cộng đồng, TP.HCM phát hiện các trường hợp mắc bệnh xuất hiện hầu hết ở các khu vực: cộng đồng dân cư, khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty văn phòng, các chợ đầu mối - truyền thống - tự phát, tại các cơ sở y tế...

Điều này cho thấy mầm bệnh đã len lỏi, lây lan trong cộng đồng. Trong đó, tập trung lây lan và bộc phát mạnh ở khu vực có môi trường thuận lợi, tiếp xúc gần gũi như khu công nghiệp, nhà trọ, chợ, người lao động vùng ven…

Sở Y tế TP.HCM nhận định, trước xu hướng số bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám các cơ sở y tế. Điều này cho thấy, tác nhân gây bệnh đã có ở khắp thành phố và số ca bệnh trong vùng phong tỏa ngày càng tăng nhanh.

Vì vậy, ngành Y tế TP.HCM cho rằng, để kiểm soát dịch bệnh cần có những biện pháp quyết liệt:

Thứ nhất, giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh (chủng Delta) qua việc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị số 10 của UBND TP.HCM về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP này; Cân bằng lợi ích về kinh tế, tuy nhiên cần cân nhắc giữa thực hiện giãn cách và sự phát triển kinh tế.

Thứ hai, loại bỏ nguồn lây nhiễm trong cộng đồng; trong đó, những khu vực đang phong tỏa phải thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn cách ly tế vùng có dịch Covid-19, đảm bảo cách ly tuyệt đối trong khu vực phong tỏa và giữa khu vực phong tỏa với các khu vực xung quanh.

Qua đó kiểm soát chặt chẽ sự lây lan dịch bên trong cũng như bên ngoài khu vực phong tỏa.

Tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây. Điều tra dịch tễ, truy vết nhanh các trường hợp F0, chuyển cách ly tập trung F1 thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên và mẫu đơn RT-PCR.

Tại các ổ dịch, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đồng thời thực hiện xét nghiệm mẫu gộp ở phạm vi tổ dân phổ, mở rộng khu phố,… đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.

Tại khu vực phong tỏa, triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 01-03 ngày/lần; Khu vực có nguy cơ cao: triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 05 - 07 ngày/lần.

Thứ ba, làm giảm yếu tố nguy cơ để dịch bệnh phát tán nhanh qua việc tăng cường quản lý, giám sát phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp; Các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải có giải pháp triệt để phòng ngừa lây lan cho các tiểu thương, người mua và nhân viên quản lý, hậu cần của chợ;

Khu nhà trọ ở các quận huyện cho các công nhân cần có giải pháp giãn cách để tránh lây lan; Tăng cường phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung để hạn chế số lượng bệnh nhân nhằm tránh quá tải hệ thống bệnh viện.

Khẳng định tinh thần Chính phủ luôn đồng hành cùng TP.HCM chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện nay số lượng ca bệnh tại TP.HCM đang tăng nhanh, cần thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng đều từ các cấp cơ sở.

Ngành y tế và ngành thông tin - truyền thông cần phối hợp nghiên cứu để triển khai việc cấp mã QR Code cho các đối tượng đã có kết quả xét nghiệm, góp phần thuận lợi trong quá trình người dân ra/vào thành phố hoặc đến các địa điểm, khu vực trong thành phố.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào Thành phố này nhưng phải đảm bảo sự lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm để cung ứng đủ cho người dân.

Những người về TP.HCM từ các tỉnh, thành phải được xét nghiệm, khai báo y tế. Ngược lại, người từ TP.HCM (những vùng cách ly, phong tỏa) về các tỉnh thành phải được cách ly.

Trong 24h, TP.HCM ghi nhận 641 trường hợp nhiễm Covid-19

Tại TP.HCM, tính từ 6h đến 18h ngày 5/7, bộ Y tế đã công bố thêm 466 trường hợp nhiễm mới. Như vậy tính từ 18h ngày 04/7 đến 18h ngày 05/7, Thành phố này ghi nhận 641 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được bộ Y tế công bố.

641 trường hợp nhiễm mới bao gồm 542 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa và 99 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 6.675 trường hợp nhiễm Covid-19 được bộ Y tế công bố.

Theo Người đưa tin pháp luật

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/so-y-te-tphcm-tac-nhan-gay-benh-covid-19-co-o-khap-thanh-pho-a519678.html

Bạn đang đọc bài viết Sở Y tế TP.HCM: Tác nhân gây bệnh Covid-19 có ở khắp thành phố tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự