Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Quý 1/2020: GDP tăng 3,82%, ngân hàng, chứng khoán gặp khó, bảo hiểm tăng phi mã

DTVN 08:23 28/03/2020

Tín dụng quý 1/2019 chỉ tăng 0,68% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1,9%. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý  I/2020 đạt mức tăng cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê vừa thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hoạt động ngân hàng và thị trường chứng khoán quý I/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá với nhiều sản phẩm bảo hiểm phong phú đáp ứng nhu cầu của người dân trước tình hình dịch bệnh.

Tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 16/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, trong đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 đạt mức tăng cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%. Các công ty Bảo hiểm nhân thọ đã cung cấp nhiều gói sản phẩm linh hoạt mang tính thời điểm, tăng các gói hỗ trợ nhằm thu thút khách hàng sở hữu các hợp đồng bảo hiểm phù hợp.

Cơ quan thống kê của quốc gia đánh giá, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý 1/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, còn có dịch cúm gia cầm và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản. Sản xuất thủy sản cũng tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Khu vực công nghiệp và xây dựng ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô giảm mạnh.

Quý 1/2020: GDP tăng 3,82%, ngân hàng, chứng khoán gặp khó, bảo hiểm tăng trưởng phi mã (Ảnh: TTXVN)

Về giá tiêu dùng, do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,72% so với tháng trước. Đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý 1/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 3/2020 giảm 0,06% so với tháng trước, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản trong 3 tháng đầu năm tăng 3,05% so với cùng kỳ năm 2019.

Bình quân 3 tháng đầu năm lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: giá lương thực, thực phẩm, một số dịch vụ tăng.

T.Hường/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/quy-1-2020-gdp-tang-382-ngan-hang-chung-khoan-gap-kho-bao-hiem-tang-phi-ma-d72499.html

Bạn đang đọc bài viết Quý 1/2020: GDP tăng 3,82%, ngân hàng, chứng khoán gặp khó, bảo hiểm tăng phi mã tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự