Phía Trung Quốc đang áp dụng việc kiểm soát gắt gao với nông sản của Việt Nam, khiến nhiều xe hàng chậm thông quan. |
Theo Hải quan Lạng Sơn, hiện tượng các xe hàng nông sản dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến bắt đầu từ ngày 15/10. Trước đây, trung bình số lượng xe chở hàng xuất khẩu thông quan khoảng từ 80-150 xe/ngày, thì nay tăng đột biến khoảng trên 250 xe/ngày.
Trong đó, nông sản chủ yếu là thanh long và một số mặt hàng khác từ các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang… Đến đến nay số lượng phương tiện còn tồn đọng tại của khẩu khoảng 500 xe chưa được thông quan.
Theo Hải quan Lạng Sơn, các xe hàng nông sản ùn ứ khi làm thủ tục thông quan bắt đầu từ ngày 12/10, khi lực lượng Hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát tại cổng kiểm soát số 1 đối với phương tiện ô tô, kể cả xe không hàng và có hàng của Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh vào Trung Quốc, như gắn camera, máy soi... để kiểm tra xe hàng và cả lực lượng thực thi quản lý, kiểm soát của Trung Quốc tại cổng xe nhập cảnh.
Điều này khiến thời gian làm thủ tục thông quan tăng đáng kể. Thông thường trước đây việc thông quan không quá 2 phút/xe, thì nay mất khoảng 6-7 phút/xe và trung bình một ngày tối đa chỉ thông quan được 120-150 xe, so với lúc cao điểm trước đây là 300 xe/ngày.
Trước thông tin phản ánh về tình trạng nhiều xe hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hôm qua (19/10), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn Bộ đi kiểm tra thực tế tại cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Hữu Nghị.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra tại cửa khẩu và chỉ đạo các đơn vị cửa có giải pháp sớm thông quan cho các xe nông sản Việt Nam. |
Theo ông Tiến, các cơ quan chức năng Việt Nam phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và việc bố trí lực lượng tăng ca để đẩy nhanh giải quyết ưu tiên thủ tục thông quan hàng hóa nông sản.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cửa khẩu của Việt Nam đã tăng cường gặp gỡ, trao đổi với phía Quảng Tây (Trung Quốc) để tháo gỡ vướng mắc, kịp thời đề xuất việc áp dụng phương thức kiểm tra, kiểm soát hàng hóa khi thông quan phải có lộ trình và có thông báo sớm trước khi áp dụng.
Từ thực tế trên, ông Tiến lưu ý các đợn vị nói trên cần tăng thông tin, khuyến cáo tới các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xuất khẩu hoa quả qua Quảng Tây quản lý việc truy xuất nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Cùng đó, các doanh nghiệp chủ động phối hợp các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc khai báo hải quan tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu như hiện nay.
Theo NAM KHÁNH/Tiền Phong