Nguyên nhân là do phía Trung Quốc thay đổi thủ tục thông quan, đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu. Vì thế, tìm hướng xuất khẩu bền vững cần phải được đặt ra.
Hàng trăm container nằm chờ tại cửa khẩu Tân Thanh. |
Thị trường nhập khẩu ngày một khó tính
Từ ngày 15/10 tới nay, xe chở nông sản, chủ yếu là thanh long từ các tỉnh phía Nam ra cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) ùn ứ cục bộ khiến cho giao thông khu vực cửa khẩu và dọc tuyến đường khu phi thuế quan kéo dài khoảng 5 km bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ùn ứ này là do phía Trung Quốc thực hiện quy trình kiểm soát đối với phương tiện vận tải và hàng hóa nhập khẩu kể từ ngày 12/10. Theo đó, tất cả phương tiện nhập cảnh vào Trung Quốc đều được các lực lượng chức năng phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra thủ công từng cabin, container hàng, dẫn tới kéo dài thời gian, thông quan.
Cụ thể, nếu như trước kia khi làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc, DN xuất khẩu nông sản của chúng ta chỉ cần khai báo và sẽ sớm được thông quan trong vòng 2 phút/ xe hàng, nhưng nay do phía Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt đối với phương tiện và hàng hóa trên xe hàng nên mỗi xe hàng khi làm thủ tục, kiểm tra và thông quan lên tới 10 phút/ xe hàng. Điều này đã dẫn tới lượng xe ùn ứ tại cửa khẩu ngày một lớn.
Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh, trước đây, mỗi ngày đơn vị làm thủ tục thông quan cho khoảng 350 xe hàng với thời gian thông quan khoảng 30 giây/xe, nhưng kể từ ngày 15/10 tới nay, mỗi ngày đơn vị chỉ làm thủ tục thông quan cho khoảng 180-200 xe hàng với thời gian dài hơn trước nhiều lần, trung bình từ 3-5 phút, có thời điểm lên kéo dài tới 10 phút mới thông quan được một xe.
Sự thay đổi này của Trung Quốc đã kéo dài thời gian thông quan dẫn tới hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh bị chậm, trong khi đó, các xe nông sản vẫn tiếp tục ùn ùn dồn về cửa khẩu, nhất là mặt hàng thanh long tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tây Ninh đang vào thời điểm chín rộ.
Trước tình hình này, Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết đã làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc. Sau cuộc làm việc, lượng hàng hoá được thông quan đã có những chuyển biến, song tiến độ vẫn rất chậm. Và cho đến thời điểm này, ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh vẫn còn tồn đọng trên 500 xe hàng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Tôn Văn Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, trong 19/10, đơn vị mới làm thủ tục xuất khẩu cho 185 xe hàng với thời gian thông quan nhanh hơn, trung bình khoảng từ 3-5 phút/xe. “Đơn vị cũng bố trí cán bộ túc trực làm thủ tục và thông quan hàng hoá, tránh thiệt hại cho DN” – ông Hà cho biết.
Cục Hải Quan Lạng Sơn cũng cho biết, trong bối cảnh này, để giải tỏa ùn tắc cho hàng hóa nông sản tại Cửa khẩu Tân Thanh, Cục cũng phối hợp với các lực lượng trên địa bàn trực tiếp hội đàm với lực lượng chức năng bên phía Trung Quốc nhằm tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN có thể thông quan, giải phóng hàng hóa trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng đã có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn cuối tuần qua.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, đã thành lập đoàn công tác tiến hành trao đổi, làm việc với các lực lượng chức năng phía Trung Quốc, đề nghị đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, giám sát hàng hóa; không thực hiện kiểm tra, giám sát tại cổng cửa khẩu mà chỉ thực hiện khi xe hàng đã vào bãi tập kết, đồng thời kéo dài thời gian làm thủ tục thông quan tới 21 giờ (giờ Hà Nội).
Hướng đến xuất khẩu nông sản bền vững
Để giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu, các cơ quan chức năng Việt Nam phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và bố trí lực lượng tăng ca để đẩy nhanh giải quyết, ưu tiên thủ tục thông quan hàng hóa nông sản.
Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. |
Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phối hợp tốt, điều tiết hợp lý lượng hàng hóa; các DN cần phân loại rõ chủng loại đóng gói hàng hóa, phù hợp các điều kiện vận chuyển, giao nhận để rút ngắn thời gian xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu.
Về lâu dài, hướng đến xuất khẩu bền vững đến tất cả các thị trường bao gồm cả thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NNPTNT khuyến cáo, các địa phương trong nước cần tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, thương nhân; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến, xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng.
Trước đó, trung tuần tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã có buổi làm việc nhằm tìm ra những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Theo các vị Bộ trưởng, thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên khắt khe hơn với hàng hóa nhập khẩu, họ đặt ra các hàng rào, yêu cầu cao, chặt chẽ, liên quan đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu... Hai Bộ trưởng cho rằng cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp cụ thể để tăng trưởng xuất khẩu, tạo nên thị trường ổn định cho ngành nông nghiệp, từng bước giải quyết câu chuyện “được mùa, mất giá” của nông sản lâu nay.
Theo Minh Phương/Đại đoàn kết