Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tràn lan hoạt động buôn bán mỹ phẩm nhập lậu

DTVN 08:45 09/06/2021

Liên tiếp nhiều vụ việc liên quan tới các hành vi vi phạm trong kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm không rõ xuất xứ, mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu đã bị lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện và xử lý.

Cụ thể, vào ngày 4/6 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra đồng thời cùng lúc 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Phan thiết và huyện Hàm Thuận Bắc.

Tại cơ sở kinh doanh Shop TB trên đường Trần Hưng Đạo, TP Phan Thiết, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện cơ sở kinh doanh số lượng lớn các mặt hàng sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, gồm: 10.543 sản phẩm mỹ phẩm các loại nhãn hiệu Wendy Story, Wonder Drawing, Fresh&Sofl, Mejilkaliner, Pears, Cha Charl, Bio Vital, Dusitra, … có tổng trị giá gần 43 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng mỹ phẩm các loại nêu trên. Đồng thời cũng chưa xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng 10.543 sản phẩm mỹ phẩm các loại nêu trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.

5118_QLTT_BT

Tương tự, kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại huyện Hàm Thuận Bắc, Đội Quản lý thị trường số 5 cũng phát hiện tại đây đang tập kết trên 29.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng có trị giá khoảng 1 tỷ đồng, do nước ngoài sản xuất nhưng trên sản phẩm một số mặt hàng không có nhãn mác bằng tiếng Việt Nam và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa.

Đội Quản lý thị trường số 5 đã tạm giữ toàn bộ lô hàng nêu trên để tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, chỉ trong 2 ngày mùng 2 và mùng 3/6, các tổ công tác thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1, Cục Hải quan Quảng Ninh tổ chức tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu đã phát hiện, bắt giữ 3 vụ vận chuyển, tập kết hàng hóa nhập lậu là mỹ phẩm trong địa bàn hoạt động Hải quan.

3956_195194117_305663241222678_7633204935802162056_n

Qua kiểm tra, lực lượng Hải quan thu giữ trên 745 sản phẩm mỹ phẩm gồm son môi; sữa rửa mặt; dầu gội đầu; sáp vuốt tóc…

Đây là các loại mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, được nhập lậu từ Trung Quốc, sau đó các đối tượng vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ.

Hiện số hàng nhập lậu đã được tổ công tác Đội Kiểm soát Hải Quan số 1 lập hồ sơ, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan và xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 28/5, tại Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Móng Cái thuộc Công ty Cổ phần xử lý chất thải Miền Đông (có địa chỉ tại thôn 5, xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), Đội Kiểm soát Hải quan số 1 đã phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch và Viện Kiểm sát Nhân dân TP Móng Cái tiến hành tiêu hủy hàng hóa vi phạm do đơn vị bắt giữ trong tháng 4 và tháng 5/2021.

Hàng hóa tiêu hủy gồm 24.703 sản phẩm mỹ phẩm (son môi, kem dưỡng da, dầu dưỡng tóc, sữa tắm….); 480 điếu thuốc lá điện tử; 116 sản phẩm là giầy, dép giả mạo nhãn hiệu NIKE.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg (năm 2020) về tăng cường chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt hàng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền, kết quả đấu tranh đã có những chuyển biến rất rõ. Đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, công tác kiểm soát các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu đối với người, phương tiện, hàng hóa tại các các cửa khẩu, khu vực biên giới, cảng hàng không,cảng biển được siết chặt. Do vậy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng trên có chiều hướng giảm mạnh.

Tại các tuyến biên giới trọng điểm như các tỉnh phía Bắc, miền Trung-Tây Nguyên, Tây Nam bộ, tuyến hàng không khi hoạt động buôn lậu được kiểm soát, các đối tượng chuyển hướng hoạt động trên tuyến biển, thông qua dịch vụ bưu chính, các cửa khẩu quốc tế, đường mòn, lối mở.

4214_2c07c65aaba05efe07b1

Nổi cộm trên một số địa bàn tỉnh, thành phố như Quảng Ninh (Móng Cái, Quảng Hà), Lạng Sơn (Chi Ma, Tân Thanh, Cao Lộc), Đà Nẵng (Tiên Sa), Quảng Trị (Đông Hà, Lao Bảo), Tây Ninh (Mộc Bài)..., các đối tượng đã lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư để cấu kết với các đối tượng nước ngoài, sử dụng phương tiện công nghệ kỹ thuật cao để buôn lậu, một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, không tổ chức sản xuất hàng hóa tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu đi các nước khác.

Ngoài ra, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng còn “núp bóng” hàng miễn thuế vào các khu kinh tế cửa khẩu, khu bảo thuế, chợ biên giới, từ đây tổ chức mua gom và dùng hóa đơn bán hàng hợp thức hóa, lợi dụng người đi du lịch để đưa vào tiêu thụ nội địa. Một số đối tượng khi bị cơ quan chức năng kiểm tra bắt giữ đã dùng thủ đoạn hợp thức bằng các hóa đơn thanh lý hàng được mua của các cơ quan nhà nước bán phát mại.

Không chỉ phức tạp ở khu vực biên giới, ở trong thị trường nội địa, khi hoạt động thương mại điện tử nở rộ, xuất hiện thủ đoạn mới là các đối tượng lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo… chụp ảnh sản phẩm, dùng địa chỉ bán hàng không rõ ràng, phát trực tiếp (livestream) và đăng bài quảng cáo về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... không đúng với bản chất thật của hàng hoá... Cùng với đó là sự phát triển của dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, dịch vụ giao nhận hàng tại nhà với đội ngũ shipper (người giao hàng) đông đảo, các đối tượng đã lợi dụng để đưa hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả vào các kho chứa bưu kiện, bưu phẩm.

Đây là ranh giới không rõ ràng cho việc xác định trách nhiệm của chủ thể đối với hàng hóa vi phạm, đối tượng thường lợi dụng để tiêu thụ, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... gây khó khăn cho kiểm soát, kiểm tra, xử lý.

1935_6-5346_IMG_9290

Trước tình hình trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lực lượng chức năng, đặc biệt là các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, kịp thời đưa ra các khuyến cáo, dấu hiệu nhận biết đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Phối hợp các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vi thuốc y học cổ truyền.

Thường xuyên cập nhật danh sách các tổ chức cá nhân, sản phẩm vi phạm thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website của ngành y tế từ Trung ương đến địa phương. Không những vậy, phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống thuốc giả với các nước có chung đường biên giới, các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; tham gia các dự án, tổ chức hoạt động trong khu vực (chia sẻ thông tin), toàn cầu liên quan đến phòng chống thuốc giả.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tran-lan-hoat-dong-buon-ban-my-pham-nhap-lau-dau-thang-6-2020-d100811.html

Bạn đang đọc bài viết Tràn lan hoạt động buôn bán mỹ phẩm nhập lậu tại chuyên mục Tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng