Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Tăng mức xử phạt, hàng xách tay hết thời?

DTVN 12:09 09/09/2020

Từ ngày 15/10, kinh doanh hàng xách tay mà không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan (hàng nhập lậu) có thể bị phạt đến 100 triệu đồng.

Bắt đầu từ ngày 15/10/2020, bán mỹ phẩm giả có thể bị phạt đến 100 triệu đồng. Đây là mức tiền phạt cao nhất được đưa ra tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Tâm lý sính ngoại

Với tâm lý sính ngoại, hàng xách tay hay hàng nhập khẩu luôn nhận được sự ưu ái của nhiều người tiêu dùng. Những năm qua, trên thị trường Việt Nam xuất hiện hàng loạt cửa hàng kinh doanh sản phẩm hàng nhập khẩu như cửa hàng chuyên hàng Nhật nội địa, hàng Mỹ, Anh, Pháp, ÚC, Đức, Hàn Quốc....

Không chỉ quần áo, túi xách, giày dép là những sản phẩm bị làm nhái, làm giả được buôn bán công khai mà các loại mỹ phẩm không xuất xứ, hàng dỏm cũng được bán tràn lan.

Cuối tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện một kho hàng có dấu hiệu nhập lậu quy mô lớn tại Q.8. Trong đó có chứa 4.800 sản phẩm mỹ phẩm các loại, trị giá gần 2,2 tỉ đồng đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có nhãn gốc là tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ là tiếng VN.

Trước đó, vào ngày 21/8, Cục QLTT Bình Thuận cũng kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm do bà Nguyễn Thị L. làm chủ trên địa bàn H.Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Tại cơ sở đang kinh doanh lô hàng 1.823 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng VN, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Hay giữa tháng 8, Cục QLTT Long An đã tiêu hủy trên 1 tấn nguyên liệu dùng để sản xuất mỹ phẩm của cơ sở kinh doanh mỹ phẩm của bà Cao Thị Ngọc Bích và của Công ty TNHH mỹ phẩm Nhân Thuận Phát. Trong đó, cơ sở của bà Cao Thị Ngọc Bích bị phạt 54 triệu đồng do sản xuất mỹ phẩm không có giấy chứng nhận đăng ký ngành nghề sản xuất mỹ phẩm, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Riêng Công ty TNHH Nhân Thuận Phát bị phạt với tổng số tiền là 100 triệu đồng...

Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tối đa từ 50 - 70 triệu đồng tùy trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Riêng kinh doanh hàng mỹ phẩm giả thì người bán có thể bị xử phạt 100 - 140 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm. Như vậy, quy định mới đã tăng mức xử phạt hành chính lên gần gấp 2 lần so với mức phạt trước đây đối với sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả.

Tuy nhiên, liệu đây đã là chế tài đủ mạnh để “chặn” triệt để vấn nạn mỹ phẩm giả. Bởi, lợi nhuận “khủng” từ việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc cao gấp nhiều lần so với việc phạt hành chính.

Lợi nhuận khủng, khó ngăn chặn

Trao đổi với báo Thanh niên về vấn đề này, chuyên gia Vũ Vinh Phú, Phó ban Thường trực chống buôn lậu TP.Hà Nội, nhấn mạnh trong khi việc phạt tiền lên 140 triệu đồng, nhưng lợi nhuận từ kinh doanh mỹ phẩm này mang lại 1,4 tỉ đồng thì làm sao chặn được?

Vấn đề quan trọng hơn là cần ngăn chặn triệt để đầu vào, từ nguồn nhập khẩu và từ sản xuất trong nước. Thứ hai là phải tăng biện pháp xử phạt. Phạt tiền chỉ mới đánh vào kinh tế, đúng ra hành vi làm giả hàng hóa đều phải bị xử lý hình sự.

Còn trao đổi với báo Người lao động, ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế - Tổng cục QLTT, khẳng định về bản chất, hàng xách tay chính là hàng lậu. Cách gọi "hàng xách tay" xuất phát từ giới kinh doanh và đây là cách gọi thông dụng ngoài thị trường. Hàng hóa xách tay xuất hiện tràn lan ở thị trường Việt Nam thực chất là hệ quả của hoạt động buôn lậu qua biên giới. Cũng bởi tính chất phức tạp nên để ngăn chặn tình trạng này, việc áp dụng một vài biện pháp xử phạt hành chính là chưa đủ.

"Xử phạt hành chính chỉ là một kênh để hạn chế buôn lậu, buôn bán hàng hóa trái pháp luật nhằm ngăn chặn vi phạm về thuế, từ đó ngăn thất thoát nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại. Để xử lý được tận gốc tình trạng này, cần đồng bộ chính sách từ thương mại, thị trường đến thuế, hải quan…" - ông Kiều Dương đề xuất.

Cũng theo ông Dương, tâm lý người Việt thích hàng xách tay bởi quan niệm đây là sản phẩm chất lượng cao, chính hãng, giá "mềm" do không phải chịu thuế. Tuy nhiên, với hàng loạt hiệp định thương mại mới được ký kết, hàng hóa chất lượng cao từ nhiều quốc gia theo đường chính ngạch vào Việt Nam sẽ được miễn, giảm thuế. Điều này có thể khiến hàng xách tay dần mất điểm đối với người tiêu dùng.

Trong khi đó, Cục QLTT TP HCM thừa nhận hàng xách tay, hàng lậu hiện nay được bán rất nhiều trên mạng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa.

Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tang-muc-xu-phat-hang-xach-tay-het-thoi-d82135.html

Bạn đang đọc bài viết Tăng mức xử phạt, hàng xách tay hết thời? tại chuyên mục Tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng