Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Theo USDA, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao. Sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến vào khoảng 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020.

Một số thị trường dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines (tăng 13%), Côte d'Ivoire (tăng 9,1%), Ghana (tăng 5,6%) và Liên minh châu Âu (EU) (tăng 2,1%).

Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

USDA dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo trong năm 2021 (Ảnh minh họa)

Phân tích về các nước xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020; Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với năm 2019. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,89 triệu tấn gạo.

Do giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức cao, đạt trung bình 534 USD/ tấn, tăng 13,4% so với giá cùng kỳ năm ngoái nên tuy giảm 10,8% về lượng nhưng tổng doanh thu xuất khẩu vẫn đạt 1,01 tỷ USD, tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như EU, Hàn Quốc, Mỹ.

Giá lúa gạo hôm nay (11/5) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi ngang sau khi biến động theo hướng tăng với mặt hàng gạo vào hôm qua. Cụ thể, nếp Long An 5.100 - 5.500 đồng/kg; OM 18 giá 6.400 - 6.600 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 6.400 - 6.600 đồng/kg; OM 9577, OM 9582 ở mức 6.050 đồng/kg; OM 5451 ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg; OM 6976 giữ giá 6.000 - 6.150 đồng/kg; IR 50404 giá 5.900 - 6.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.500 - 7.600 đồng/kg; nếp vỏ tươi 5.000 - 5.100 đồng/kg; nàng Hoa 9 ở mức 6.100 - 6.200 đồng/kg.

Hiện tại lúa Đông Xuân còn ít, thương lái hỏi mua lúa khô nhiều hơn, thị trường giao dịch sôi động. Trong tuần qua, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa đã có sự biến động trái chiều giữa các địa phương. Theo đó, một số tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp ghi nhận giá lúa giảm từ 100-300 đồng/kg đối với lúa tươi thì tại Long An, An Giang, Kiên Giang ghi nhận tăng từ 50-100 đồng/kg; riêng tại Bạc Liêu, Cần Thơ giá lúa không biến động.

Với giá gạo, sau khi biến động trái chiều hôm qua, nay xu hướng ổn định hơn. Cụ thể, gạo NL IR 504 giá 9.200 đồng; gạo TP IR 504 giá 10.700 đồng/kg; tấm 1 IR 504 ở mức 8.700 đồng/kg và cám vàng 7.200 đồng/kg.

Tương tự, giá các mặt hàng gạo khác tại An Giang cũng duy trì ổn định gồm: Nếp ruột 13.000 - 14.000 đồng/kg; gạo thơm thái dạt dài 18.000 - 19.000 đồng/kg; Hương lài 18.000 đồng/kg; Jasmine 14.000 - 15.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; nàng Hoa 16.200 đồng/kg; Sóc thường 14.000 đồng/kg, gạo trắng thường ổn định ở mức 11.000 - 12.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg; gạo nàng Nhen 20.000 đồng/kg.

Theo VFA, trong tuần qua giá gạo xát trắng loại 1 đã tăng bình quân 300 đồng và hiện có giá 11.088 đồng/kg; gạo 5% tấm tăng 79 đồng, có giá 10.900 đồng/kg; gạo 25% tấm tăng 42 đồng, có giá 10.350 đồng/kg; cám xát/lau tăng 257 đồng, lên 6.943 đồng/kg…

Theo Kinh tế Chứng khoán

Bạn đang đọc bài viết Dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo trong năm 2021 tại chuyên mục Giá cả - hàng hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Giá cả - hàng hóa