Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/5, giá quặng sắt và giá thép kỳ hạn của Trung Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại trong bối cảnh nguồn cung và nhu cầu mạnh mẽ. Kỳ vọng về sự gia tăng tỷ lệ lạm phát đã thúc đẩy các hoạt động thu mua đầu cơ trên thị trường.
Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) đã tăng 10% lên mức cao kỷ lục là 1.326 nhân dân tệ/tấn (tương đương 206,30 USD/tấn).
Trên Sàn giao dịch Singapore (SICOM), hợp đồng quặng sắt giao tháng 6/2021 cũng được điều chỉnh tăng 9,5%, ghi nhận mức 224,65 USD/tấ
Giá thép hôm nay tiếp tục chuỗi ngày tăng cao (Ảnh minh họa) |
Hiện tại, lượng tồn kho giảm mạnh trong khi nhu cầu tại các nhà máy vẫn neo ở mức cao.
Các kho dự trữ quặng sắt SH-TOT-IRONONV tại các cảng của Trung Quốc giảm 2,05 triệu tấn xuống còn 131,05 triệu tấn, thấp nhất trong gần hai tháng qua.
Trong cùng ngày, giá thép trên thị trường kỳ hạn cũng được hỗ trợ bởi chi phí nguyên liệu tăng.
Cụ thể, giá thép cây xây dựng giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải (SHFE) tăng 6% lên 6.012 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC), được sử dụng trong sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng, cũng chốt phiên ở mức kỷ lục là 6.335 nhân dân tệ/tấn. Tương tự, giá thép không gỉ giao tháng 6/2021 tăng 2,6% lên 15.295 nhân dân tệ/tấn.
Dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy, vào tuần trước, tỷ lệ sử dụng công suất của các lò cao tại 247 nhà máy thép trên khắp Trung Quốc đã tăng lên 90,59%, mức cao nhất theo ghi nhận kể từ đầu tháng 3, Reuters đưa tin.
Chặn đà tăng của giá thép
Giá thép trong nước đang tăng "phi mã", ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành xây dựng. Các chuyên gia nhận định, xu hướng giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 tiếp tục có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới.
Liên tục từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng cao, lên đến 40-50% khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng loại vật liệu này "đứng ngồi không yên".
Về dự báo triển vọng trong năm 2021, ông Nghiêm Xuân Đa ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho biết, thị trường thép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả nguyên vật liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường toàn cầu và nội địa.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công thương cho biết sẽ tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đồng thời, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu; chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá...
Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ dõi và xem xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.
Theo Kinh tế Chứng khoán