Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vì sao đề xuất xây sân bay của 11 địa phương bị Bộ GTVT bác bỏ?

DTVN 10:07 21/06/2021

Vừa qua, có 11 tỉnh đề nghị bổ sung sân bay nhưng đều bị bác bỏ

Bộ Giao thông Vận tải vừa có dự thảo Tờ trình Thủ tướng về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Trong bản dự thảo này, Bộ GTVT cho biết, cả nước hiện có 22 sân bay đang khai thác. Trong đó, trừ sân bay Phú Quốc, Vân Đồn thì hầu hết các sân bay đều có nguồn gốc là sân bay quân sự, được đưa vào khai thác dùng chung hàng không dân dụng và quân sự.

Theo đó, đến năm 2030, tổng nhu cầu sản lượng hành khách dự kiến thông qua các cảng hàng không đến năm 2030 được dự báo khoảng 278 triệu hành khách/năm. Tổng nhu cầu sản lượng hàng hóa dự kiến thông qua các cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong định hướng giai đoạn đến năm 2050 dự báo tổng nhu cầu sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đến năm 2050 ước dự báo khoảng 490,7 triệu hành khách/năm. Tổng sản lượng hành khách thông qua các sân bay khoảng 490,7 triệu hành khách/năm, hàng hóa khoảng 16 triệu tấn/năm.

Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng quy hoạch sân bay, 11 tỉnh đề nghị bổ sung sân bay cho địa phương mình gồm Bắc Giang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Ninh Thuận.

Đánh giá về các đề xuất này, Bộ GTVT cho biết, tư vấn lập quy hoạch đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cơ sở dự báo nhu cầu vận tải của 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không), điều kiện tự nhiên, hiệu quả kinh tế và các phương pháp khoa học...

Theo đó, đơn vị tư vấn đề xuất 6 tiêu chí chính về sự cần thiết và mức độ khả thi đối với cảng hàng không mới gồm: Nhu cầu sản lượng, kinh tế - xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch), an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược), khẩn nguy cứu trợ, điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai), cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tiếp cận các cảng hàng không lân cận)…

"Trên cơ sở đó, tư vấn đã rà soát kỹ lưỡng lại kết quả và đối chiếu với các tiêu chí đánh giá. Theo đó tại 11 tỉnh có ý kiến đề nghị bổ sung quy hoạch sân bay mới, điểm đánh giá không cao, không nằm trong 30 tỉnh, thành phố có tổng điểm cao nhất cả nước. Vì vậy, tư vấn đề nghị không bổ sung các sân bay theo đề nghị của các địa phương,” Bộ GTVT cho biết.

Bên cạnh loại bỏ đề xuất xây dựng 11 sân bay mới, dự thảo quy hoạch cũng đề cập tới việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng CHK tại các đảo như: Lý Sơn, Phú Quý… quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong giai đoạn 2021-2030, Bộ GTVT đề xuất quy hoạch 28 sân bay, trong đó có 14 sân bay quốc tế và 14 sân bay quốc nội.

14 cảng hàng không quốc tế gồm: Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương.

14 cảng hàng không quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo.

Định hướng đến năm 2050, chỉ bổ sung cảng hàng không Cao Bằng (sân bay nội địa) vào quy hoạch, nâng tổng số sân bay của cả nước lên 29. Số vốn để đầu tư và nâng cấp các sân bay giai đoạn này dự kiến khoảng 596.352 tỷ đồng.

Theo Người đưa tin pháp luật

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-de-xuat-xay-san-bay-cua-11-dia-phuong-bi-bo-giao-thong-bac-bo-a518164.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao đề xuất xây sân bay của 11 địa phương bị Bộ GTVT bác bỏ? tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh