Văn bản đề xuất các chính sách, giải pháp phục vụ xây dựng đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư.
VCCI cho biết, các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam đang đối diện với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử.
Theo VCCI, phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, chi phí logistics có sự gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay về cước vận tải và tình trạng thiếu container. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.
Làm các phép so sánh về giá, VCCI chỉ ra các mức phí logistics đang có sự chênh lệch rất lớn. Cụ thể, giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) cũng đã tăng từ 1.800 USD hồi đầu năm 2020 lên mức 8.000 USD/container hiện tại; đi cảng Jacksonville (Mỹ) cũng tăng từ 3.900 USD lên mức 12.000 USD/container...
VCCI cũng chỉ ra, giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Southamton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/container, đến tháng 12/2020 là 5.000 USD/container và tháng 5 là 9.100 USD/container.
Điều đáng nói, mặc dù giá thuê cao như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó đặt được container, do tình trạng được báo là thiếu container tại các cảng, các tuyến. Theo phản ánh của doanh nghiệp, muốn thuê container cũng phải đặt trước 1 tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được container. Các doanh nghiệp gần như đang phải tranh nhau chỗ để đặt thuê container.
"Ngay cả khi doanh nghiệp đã đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu rồi nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục hoãn chuyến, có nhiều tàu phải hoãn 4-5 lần (tương đương khoảng 10-15 ngày) trên mỗi chuyến, gây nên việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu, nhất là các đơn hàng phải giao để kịp quota nhưng tàu hoãn dẫn đến chậm trễ buộc phải hủy giao hàng, chi phí lưu container ở cảng cũng tăng lên gấp bội", văn bản của VCCI gửi Bộ KH&ĐT cho biết.
Vẫn theo VCCI, trên thị trường container rỗng hiện nay, doanh nghiệp nào trả cước cao hơn thì hãng tàu sẽ cấp container. Thậm chí các doanh nghiệp đã có được booking container (đăng ký container) rồi nhưng do cước phí thuê container tăng lên hàng ngày nên các hãng tàu sẵn sàng hủy booking của doanh nghiệp đó để chuyển cho doanh nghiệp khác nếu trả cước cao hơn. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau vụ tắc nghẽn kênh đào Suez hồi cuối tháng 3 và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.
"Việc thiếu hụt container cho xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang dẫn đến ách tắc cả cho các lô hàng xuất khẩu lẫn các lô nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng chi phí thuê container tại tất cả các cảng biển, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng, đồng thời cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển do không thuê được container vận chuyển".
Theo VCCI, tình trạng này đang trực tiếp tác động lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán và, không ký tiếp được đơn hàng mới dẫn đến rất nhiều khó khăn.
Những khó khăn do chi phí bị tăng giá, nguồn container bị thiếu hụt cùng với cơn bão Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước thách thức chưa từng có. VCCI cho biết, trong bối cảnh đó, doanh nghiệp rất khó khăn mới ký được các đơn hàng nhưng ngay cả khi có đơn hàng, với việc cước phí thuê container tăng quá cao và doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thuê được container hàng để xuất nhập hàng hóa, các doanh nghiệp cũng đang đứng trước tình trạng thua lỗ trầm trọng và đình đốn sản xuất do giá thành sản xuất tăng cao và không xuất khẩu được hàng hóa.
Từ những nguyên nhân trên, VCCI đề nghị thành lập Tổ công tác của liên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công thương để rà soát và tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chi phí logistics, tình trạng thiếu container. Tổ công tác này cần làm việc chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, các cảng biển, các hãng tàu… để đưa ra các giải pháp hạn chế tình trạng thao túng giá, đẩy giá của một số bên.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường