Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay các nhãn hàng dệt may đang đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững và minh bạch chuỗi cung ứng.
Theo thống kê hết quý I/2023, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dệt may đã giảm gần 19% so với cùng kỳ những năm gần đây. Môi trường kinh doanh của dệt may cũng như nhiều ngành khác đang biến động, bất định, phức tạp. Để ứng phó với bối cảnh hiện nay, theo các chuyên gia, chỉ có phát triển bền vững, tăng hiệu quả, linh hoạt mới vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Theo ông Kiều Hạnh Kha - Giám đốc phát triển bền vững Hiệp hội Bông Hoa Kỳ, yêu cầu từ các nhãn hàng ngày càng tăng về phát triển bền vững và minh bạch chuỗi cung ứng. Đây là một trong những công cụ, chương trình mà ngành bông của Hoa Kỳ đưa ra để hỗ trợ thị trường, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam để chuỗi cung ứng minh bạch hơn; từ đó, đáp ứng được nhu cầu của các nhãn hàng và nhãn hàng của Việt Nam được biết đến nhiều hơn.
Truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng ngành dệt may tạo cơ hội phát triển xuất khẩu bền vững. Ảnh minh họa
Còn theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, vấn đề truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng dệt may rất quan trọng, truy xuất nguồn gốc gần đây nổi lên như một từ khoá rất quan trọng. Tất cả các sản phẩm làm ra trong chuỗi cung ứng đó phải đảm bảo tuân thủ, không những là vấn đề lao động, các cam kết lao động trong các công ước cũng như là trong toàn chuỗi cung ứng. Chúng ta phải sản xuất sạch và xanh, giảm tiêu thụ nước, năng lượng và sử dụng tăng cường các sản phẩm tái chế, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ tạo nên thách thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ muốn làm sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường, những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu… Doanh nghiệp cần thay đổi để đáp ứng được những yêu cầu.
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hai kịch bản xuất khẩu cho ngành dệt may, trong đó mục tiêu xuất khẩu từ 45 - 47 tỷ USD, tức là vẫn tăng trưởng so với 2022. Với những cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nếu không tuân thủ thì hàng hoá từ Việt Nam bị áp các chế tài thương mại, dẫn đến không thể xuất khẩu. May mắn là Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược ngành dệt may - da giầy đến 2030, tầm nhìn 2035. Đây là cơ hội cho ngành dệt may phát triển nhanh hơn và hướng đến mục tiêu xuất khẩu 70 tỷ USD.
Được biết hiện nay Việt Nam có hơn 7.000 doanh nghiệp, trong đó 40% là doanh nghiệp FDI. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, chủ yếu là xuất khẩu vào Hoa Kỳ, tiếp đến là EU, Nhật, Hàn Quốc. Đây là những thị trường rất khắt khe về nguồn gốc sản phẩm.
Do đó, theo ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, để thực hiện hiệu quả, cần thực hiện tra soát chuỗi cung ứng áp dụng ở cấp độ doanh nghiệp cung ứng cần có lộ trình và nên bắt đầu với các doanh nghiệp tiên phong, những doanh nghiệp có mức độ cam kết, nhận thức cao hơn và có năng lực, nguồn lực để triển khai. Theo đó các nhãn hàng, bên mua hàng cũng cần tạo động lực để các doanh nghiệp cung ứng duy trì và nhân rộng các nỗ lực cải thiện trong ngành, ưu tiên cho các vấn đề về người lao động, vì người lao động là yếu tố quan trọng nhất, là động lực mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của ngành…
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh có rất nhiều bộ tiêu chuẩn, quy định khác nhau liên quan đến thực hành và tra soát kinh doanh có trách nhiệm của ngành, của các nhãn hàng quốc tế và của các quốc gia thị trường, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đáp ứng yêu cầu của nhiều bên. Vì vậy các nhãn hàng cần tăng cường đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất để họ có thêm nguồn lực thực hiện việc cải thiện một cách thực chất, nâng cao năng suất và đảm bảo quyền của người lao động, cơ quan nhà nước cần phát huy vai trò điều hành thông qua việc rà soát các tiêu chuẩn và quy định pháp luật trong nước để đảm bảo tinh thần của các yêu cầu này được phản ánh trong luật pháp, chính sách của quốc gia...