Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

'Đại gia' Cá Tầm Việt Nam gánh lỗ vẫn chi 1.500 tỷ đồng mua trái phiếu trước hạn

nguoiduatin 20:31 30/03/2023

Bất chấp khoản lỗ 7 tỷ đồng năm 2022, Tập đoàn Cá Tầm đã mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu trị giá 1.477,5 tỷ đồng chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023.

Miệt mài trả nợ dù báo lỗ

Ông Lê Anh Đức là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhờ tham vọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nguồn xuất khẩu trứng cá tầm (hay được ví như vàng đen) lớn nhất thế giới. Đây cũng chính là lý do người ta gọi ông với cái tên Đức “cá tầm”.

Hiện, ông Lê Anh Đức đang đảm nhiệm vị trí Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cá tầm Việt Nam (Tập đoàn Cá Tầm), doanh nghiệp được thành lập vào năm 2009, hiện có vốn điều lệ 410 tỷ đồng.

Theo thông tin được công bố, Tập đoàn Cá Tầm hoạt động chặt chẽ với 6 công ty thành viên chủ chốt. Tại Đà Lạt, Công ty TNHH Cá tầm Việt Nam - Đà Lạt chuyên môn hóa trong việc ấp nở trứng, ươm giống cá con. Tại Bình Thuận, Bình Định, Đắk Lắk và Sơn La, công ty sản xuất cá tầm thương phẩm và trứng cá đen thông qua pháp nhân là Công ty Cổ phần Cá tầm Long Đa Mi.

Hồ sơ doanh nghiệp - 'Đại gia' Cá Tầm Việt Nam gánh lỗ vẫn chi 1.500 tỷ đồng mua trái phiếu trước hạn

Doanh nhân Lê Anh Đức.

Năm 2022, công ty này công bố phát hành thành công 1.477,5 tỷ đồng trái phiếu mã CTVCH2224001 với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10%. Thương vụ nghìn tỷ trên được thực hiện trong vòng 3 tháng, từ ngày 10/2 – 10/5/2022.

Theo điều khoản mua lại và hoán đổi, người sở hữu trái phiếu có quyền bán lại và tổ chức phát hành có nghĩa vụ mua lại toàn bộ trái phiếu sau khi tròn 12 tháng kể từ ngày phát hành.

Tuy nhiên, năm 2022 cũng là năm ghi nhận tình hình kinh doanh bết bát của doanh nghiệp khi ghi nhận khoản lỗ gần 7 tỷ đồng (trong khi năm 2021 lãi 1,6 tỷ đồng).

Trải qua một năm khó khăn như vậy nhưng Tập đoàn Cá Tầm lại có những tín hiệu tích cực khi hoàn thành mua lại lô trái phiếu gần 1.500 tỷ đồng trên trong chưa đầy một tháng kể từ ngày phát hành. Lần cuối cùng thực hiện giao dịch mua lại trái phiếu của Tập đoàn Cá Tầm là ngày 24/4/2023 với 98,2 tỷ đồng. Đây cũng là số dư nợ còn lại của lô trái phiếu CTVCH2224001.

Về các lần mua lại trước đó, vào các ngày 10/2, 13/2 và 14/2, công ty của doanh nhân Đức "cá tầm" đã tiến hành mua vào lần lượt 232 tỷ đồng, 527,3 tỷ đồng và 620 tỷ đồng của lô trái phiếu trên.

Hệ sinh thái của người đào "vàng đen"

Không chỉ gây chú ý bởi vị trí đầu ngành cá tầm, doanh nhân Lê Anh Đức còn gây được tiếng vang khi sở hữu chuỗi cơ sở trải dài từ Bắc vào Nam, đều tập trung vào lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất cá tầm và đặc biệt là trứng cá tầm thương hiệu Caviar de Duc.

Sau khi có được những thành công nhất định từ kinh doanh “vàng đen", hệ sinh thái dưới tay doanh nhân Đức “cá tầm" mở rộng sang bất động sản với sự thành lập của một loạt công ty, trong đó phải kể đến CTCP CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh - chủ đầu tư dự án Cam Ranh City Gate quy mô 40ha đất và 7ha mặt nước nằm cạnh Sân bay Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa).

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Vịnh Nha Trang là chủ đầu tư của hàng loạt dự án tại tỉnh Khánh Hòa như Panorama Nha Trang, The Arena Cam Ranh, Panorama Cam Ranh, Panorama City…

Hồ sơ doanh nghiệp - 'Đại gia' Cá Tầm Việt Nam gánh lỗ vẫn chi 1.500 tỷ đồng mua trái phiếu trước hạn (Hình 2).

Dự án Panorama Nha Trang của Công ty Cổ phần Vịnh Nha Trang.

Song song với đó, Tập đoàn Cá Tầm còn là cổ đông chiến lược của Công ty Bất động sản Hà Quang - chủ đầu tư dự án KĐT mới Lê Hồng Phong I (38,21 ha) và KĐT mới Lê Hồng Phong II (67 ha) tại phường Phước Hải, thành phố Nha Trang.

Năm 2022, công ty của ông Đức còn mở rộng lĩnh vực bất động sản sang các tỉnh thành khác như Hà Tĩnh, thông qua việc xin chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch xây dựng dự án đầu tư Khu đô thị du lịch Kỳ Nam. Dự án ước tính tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng trên quy mô 330 ha.

Bên cạnh đó, đại gia Đức cá tầm cũng từng lấn sân sang lĩnh vực điện tái tạo, tuy nhiên không ghi nhận được dấu ấn rõ ràng. Cụ thể, năm 2018, công ty Vịnh Nha Trang tiến hành khởi công dự án Nhà máy điện Mặt trời Phước Hữu tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án được thiết kế gồm nhà máy điện mặt trời quang điện nối lưới trực tiếp, với công suất lắp đặt 50MW và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 110kV. Tuy nhiên, tới năm 2021, Vịnh Nha Trang đã chuyển nhượng dự án này cho một doanh nghiệp thuộc hệ thống của TNG Holdings.

Tháng 6/2019, Vịnh Nha Trang đã phát hành thành công lô trái phiếu VNT.BOND.2019 với tổng mệnh giá 650 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 10 năm, là trái phiếu không chuyển đổi và có tài sản đảm bảo.

Lãi suất cố định cho năm đầu tiên là 10%/ năm, cho các kỳ tiếp theo là tổng của lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank – HoSE: MSB) cộng với biên độ 3,5%/ năm. Nhà đầu tư duy nhất mua trọn lô trái phiếu của Vịnh Nha Trang cũng là Maritime Bank.

Ngoài ra, trước khi Cá Tầm Việt Nam phát hành thành công lô trái phiếu nói trên, từ ngày 3/12/2021 – 9/2/2022, CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh cũng đã huy động 2.500 tỷ đồng nhờ phát hành thành công lô trái phiếu mã NCRH2123001 với kỳ hạn 2 năm

Bạn đang đọc bài viết 'Đại gia' Cá Tầm Việt Nam gánh lỗ vẫn chi 1.500 tỷ đồng mua trái phiếu trước hạn tại chuyên mục Tư vấn chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tư vấn chiến lược